.

Ứng xử trước nguy cơ khủng hoảng rác thải

Cập nhật: 19:28, 17/04/2018 (GMT+7)

Ngày thứ Bảy vừa qua, Hội Phụ nữ phường 4, TP. Vũng Tàu đã tổ chức một hoạt động có ý nghĩa thiết thực: Tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ không xả rác bừa bãi ra môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, giữ gìn vệ sinh khu vực dân cư nơi mình sinh sống. Trước nay, đã có nhiều tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị... thỉnh thoảng cũng tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường như thu gom rác thải ở các khu vực công cộng, bãi tắm... Tuy nhiên, việc làm của Hội Phụ nữ phường 4 hy vọng sẽ mang lại một hiệu ứng tích cực vì nó tác động trực tiếp đến cộng đồng.

Những người phụ nữ hàng ngày làm công việc nội trợ, hoạt động của họ thường xuyên thải ra chất thải, vì vậy không ai có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng hơn bởi chính họ là người chủ động quản lý nguồn thải phát sinh. Ở góc độ rộng hơn, khi chưa có công nghệ xử lý chất thải hiện đại, việc những người dân bình thường tự đứng ra phát động phong trào hạn chế rác thải phát sinh là việc cần làm ngay, nếu không sẽ khó tránh khỏi tình trạng khủng hoảng rác thải trong tương lai gần.

Còn nhớ cách đây không lâu, sau khi mạng xã hội đăng clip ghi lại cảnh người dân thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) mang những túi rác treo lên tàu hỏa để nhờ tàu “phát tán” đi nơi khác, chính quyền địa phương thừa nhận huyện này không có doanh nghiệp nào xây dựng nhà máy xử lý chất thải và huyện cũng chưa quy hoạch được bãi tập kết rác. Đó là lý do dẫn đến tình trạng người dân thực hiện hành vi vô trách nhiệm như vậy. Câu chuyện “nhờ” tàu hỏa “ship” rác thải đi nơi khác của người dân Hương Khê nghe qua có vẻ khôi hài, nhưng đó chính là lời cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng rác thải không riêng địa phương nào. Thống kê mới đây của Sở TN-MT Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh 1.285 tấn rác sinh hoạt và sản xuất, trong đó có 204 tấn rác thải nguy hại. Những con số thật đáng lo ngại! Cơ quan này cũng cho biết, rác thải trên địa bàn tỉnh phát sinh nhanh bởi lượng khách du lịch, các nhà máy công nghiệp, cơ sở y tế đang gia tăng nhanh. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy xử lý chất thải công nghệ hiện đại đủ năng lực xử lý và tái chế hết lượng rác phát sinh trong ngày. Và thực tế là hiện bãi rác Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) đang tồn đọng khoảng 30.000 tấn rác chưa được xử lý. 

Trước nguy cơ khủng hoảng rác thải có thể xảy ra ở bất cứ địa phương nào, bên cạnh nỗ lực của chính quyền trong việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư dự án xử lý chất thải, không gì hơn chính người dân hãy tự thay đổi những thói quen có hại cho môi trường như: Xả rác bừa bãi, sử dụng túi nilon vô tội vạ. Mỗi gia đình bằng mọi cách hạn chế phát sinh những loại chất thải có hại cho môi trường, tự thu gom, xử lý chất thải xung quanh môi trường sống của mình. Ở nông thôn, người dân hoàn toàn có thể tự phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như có thể thu gom lá cây và một số loại rác ủ thành phân bón sử dụng trong nông nghiệp. Người dân thành thị thì thực hiện phong trào “ngày Chủ nhật xanh”, “nói không với túi nilon”…

Tuy nhiên, để cộng đồng dân cư có ý thức và thói quen ứng xử tích cực với rác thải, rất cần có những cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể đứng ra phát động phong trào, vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp thu gom, xử lý, tái chế rác theo những cách có thể. Việc góp tiền mua những chiếc làn nhựa phát cho chị em hội viên của Hội Phụ nữ phường 4 cũng là một cách làm hay thể hiện ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Một việc làm đúng dù nhỏ nhưng cũng mang lại lợi ích lớn, đặc biệt là trước thực trạng rác thải đang trở thành mối đe dọa cho môi trường sống của chúng ta. 

LAM PHƯƠNG

.
.
.