.

Bảo vệ môi trường - không thể chậm trễ!

Cập nhật: 18:32, 13/04/2018 (GMT+7)

Tỉnh ủy BR-VT vừa ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về công tác quản lý bảo vệ môi trường. Chỉ thị nêu rõ, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng công tác bảo vệ môi trường của tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển. Tình trạng ô nhiễm môi trường có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, sinh hoạt của người dân.

Chỉ thị 27-CT/TU của Tỉnh ủy ban hành trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều điểm nóng ô nhiễm chưa được xử lý dứt điểm khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua, như:

Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành); khu chế biến hải sản tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành); các khu chế biến hải sản tại huyện Long Điền (xã An Ngãi, Phước Hưng, Phước Tỉnh và khu vực ao Hải Hà); hoạt động chế biến hải sản tại TP.Vũng Tàu; các trang trại, cơ sở chăn nuôi heo; hoạt động của các nhà máy có nguồn phát thải khí thải lớn; xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Côn Đảo; nguy cơ ô nhiễm các hồ chứa nước sinh hoạt; một số khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như kênh Bến Đình, Cửa Lấp... Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe  người dân. Đây cũng là những vấn đề mà Báo BR-VT liên tục có bài phản ánh trong thời gian qua, các cấp chính quyền đều đưa ra hướng xử lý nhưng triển khai cụ thể thì giậm chân tại chỗ vì chờ nhiều thứ, từ vốn, công nghệ, đất đai... Đồng thời, những bất cập trong công tác quản lý về môi trường cũng đang khiến cho hoạt động này chưa hiệu quả. Trong khi đó, người dân hàng ngày vẫn phải sống chung với khói bụi, nguồn nước ô nhiễm, mùi hôi thối từ các kênh rạch, khu chế biến hải sản, từ những nhà máy, cơ sở sản xuất.

Việc ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU cho thấy tính cấp bách trong việc triển khai các giải pháp trước thực trạng ô nhiễm môi trường bức bối hiện nay. Đồng thời, cho thấy lãnh đạo tỉnh xác định rõ bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt, cấp bách trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, DN và nhân dân. Riêng chính quyền địa phương trọng trách lớn nhất là phải chặn mọi ngã đường của các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường trong tương lai. Thông điệp này cũng đã được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đưa ra tại nhiều hội nghị bàn về việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo vệ môi trường cũng cần được xác định rõ hơn. Việc thanh tra, kiểm tra các quy định về bảo vệ môi trường cần được tiến hành thường xuyên hơn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm. Có mạnh tay mới nâng ngưỡng kiểm soát môi trường lên mức cao hơn, để không còn phải kêu “ô nhiễm môi trường đã đến ngưỡng chịu đựng”. Chỉ còn cách duy nhất là bước tới, là hành động không chỉ ngăn ô nhiễm vượt ngưỡng mà còn phải kéo giảm ô nhiễm xuống, tiến tới loại bỏ nguy cơ ô nhiễm môi trường trong cuộc sống của cộng đồng. 

NGÔ GIA

.
.
.