Nỗi lo phân bón giả
Phân bón giả là một trong những vấn đề bức xúc được nhiều người sản xuất nông nghiệp phản ánh tại buổi đối thoại lần đầu tiên giữa đại diện nông dân cả nước với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được tổ chức mới đây tại tỉnh Hải Dương.
Vấn nạn sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng tồn tại ở nước ta từ nhiều năm nay, đã và đang trực tiếp ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại tới 2 tỷ USD do sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thẳng thắn thừa nhận: Thị trường phân bón Việt Nam luôn tồn tại những loại phân bón giả, phân bón nhái, giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu của những loại phân bón khác, phổ biến là những loại phân bón chất lượng chỉ còn 20-30% hàm lượng theo đăng ký và công bố chất lượng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến năng suất nông nghiệp của Việt Nam thấp, chất lượng sản xuất sản phẩm không cao.
Vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất là đưa ra thị trường các sản phẩm phân bón, vật tư nông nghiệp sai với nội dung quy chuẩn về chất lượng đã công bố, làm hàng nhái, hàng giả, nguyên liệu sản xuất không rõ nguồn gốc. Nhiều cơ sở sản xuất phân bón bằng công nghệ thô sơ, máy móc lạc hậu, cũ kỹ, chỉ đơn giản bằng các thao tác trộn hỗn hợp tạp chất, đóng gói và vận chuyển đến các đại lý. Nguy hại hơn, nhiều loại sản phẩm phân bón không đạt tiêu chuẩn đăng ký, nhưng in trên bao bì sản phẩm là hàng chất lượng cao, có nhiều tính năng ưu việt cho các loại cây trồng để đánh lừa người tiêu dùng.
Phân bón là lựa chọn ưu tiên thứ hai trong tập tục sản xuất của người nông dân nước ta. Mặc dù vậy, công tác quản lý phân bón vẫn chưa được chú trọng, hiện vẫn còn nhiều quy định chồng chéo giữa các bộ, ngành chức năng, dẫn đến việc buông lỏng công tác quản lý. Trong thực tế, Bộ Công thương được giao quản lý 90% phân bón vô cơ, Bộ NN&PTNT được giao quản lý 10% phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác, thế nhưng mỗi khi phát hiện một cơ sở sản xuất phân bón có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chức năng vẫn khó xác định trách nhiệm thuộc về ngành nào.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho biết, hiện cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón được cấp phép. Trong khi đó, con số thực tế đã lên đến hàng ngàn cơ sở, đơn vị sản xuất phân bón chưa được cấp phép. Điều đó dẫn tới thực trạng hiện có hơn 6.000 loại phân bón lưu hành trên thị trường. Mặt khác, với tâm lý ưa chuộng được chiết khấu hoa hồng cao từ các cơ sở sản xuất, hàng ngàn đại lý phân bón đã và đang tiếp tay cho phân bón giả, phân bón kém chất lượng lưu thông tới các hộ nông dân.
Nỗi lo phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn luôn canh cánh trong lòng người nông dân. Bởi xuất phát từ việc chúng ta vẫn chưa đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý cùng với việc xử lý chưa nghiêm các sai phạm về phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên thị trường. Việc tồn tại và lưu hành phân bón giả không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các DN làm ăn chân chính, mà còn làm phức tạp thêm thị trường phân bón của nước ta. Để người nông dân yên tâm bám ruộng vườn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, mạnh tay tiễu trừ mọi hành vi làm ăn gian dối, như lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phát động trong toàn dân, các hộ nông dân và cơ sở làm ăn chính đáng, chân chính phát hiện vấn đề này, phải tiễu trừ, tiêu diệt những cơ sở sản xuất phân bón, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người nông dân”.
HOÀNG LÊ