.

Đó là tội ác!

Cập nhật: 20:06, 18/04/2018 (GMT+7)

Rất nhiều người đã phải thốt lên như vậy trong phẫn nộ khi đọc bản tin “Nhuộm cà phê bằng lõi pin” của một cơ sở kinh doanh nông sản tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông vừa được Cảnh sát môi trường Công an tỉnh này phát hiện và công bố hôm 17-4.

3 tấn cà phê vỏ, cà phê phế phẩm được phù phép bằng chiêu dùng các hợp chất trong lõi cục pin (phần lớn là chì) để nhuộm, biến thành những túi cà phê xay nâu bóng, thơm ngát. Và cũng 3 tấn cà phê pin có khả năng gây độc cao với phổi, hệ thần kinh, thận, gan, tim mạch… đã được tung ra thị trường.

Không thể đoán được, từ trước đến nay đã có bao nhiêu tấn cà phê nhiễm độc tương tự tận Đắk Wer đã đi vào các quán từ sang trọng đến bình dân. Càng không thể tin được cái sản phẩm cà phê pin đang từng ngày từng giờ tích tụ vào gan, vào thận, vào máu con người lại được làm ra từ chính bàn tay của những con người cũng bằng xương bằng thịt, cũng biết hít thở, biết cảm nhận những vui buồn của cuộc sống.

Nhiều người khẳng định, thừa biết đây là một trong những loại chất độc có khả năng phá hủy cơ thể con người, chắc chắn những kẻ kinh doanh phi pháp này chẳng bao giờ dám uống loại cà phê đầy độc tố do chính tay mình làm ra. Nhưng họ vẫn thản nhiên thu lợi và thảnh thơi nhìn đồng loại nhấm nháp từng ngụm cà phê pin, cà phê chì mỗi ngày thì hết sức độc ác và vô nhân tính!

Ở nhiều vùng trồng trọt cũng không thiếu cảnh “vạt rau bán, vạt rau ăn” nằm cách biệt nhau và đương nhiên là người trồng không hề lẫn lộn. Rau bán phun xịt thuốc, gây hại cho sức khỏe mọi người, nhưng mặc kệ, cứ phun xịt cho lá xanh, cân nặng, bán nhiều tiền. Nhiều trại chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc, thuốc tăng trọng cho gia súc. Nhiều vùng đánh bắt, chế biến, mua bán hải sản cũng cứ mạnh tay tẩm ướp muối diêm giữ tươi, thuốc xịt kiến để chống lại quá trình phân hủy hữu cơ tự nhiên. Nhiều chợ, nhiều quán tẩm ướp biến heo nái thành heo rừng, thịt ôi thiu thành những đĩa thịt nướng thơm lừng… Vấn đề là, không chỉ một người, vài người mà là rất nhiều người – trong cuộc – biết, chứng kiến, nhưng tất cả đều im lặng và cùng thực hiện hành vi gian dối, thậm chí chung tay gây ra tội ác này không một chút áy náy. Vấn đề là, càng phát hiện ngày một nhiều những chiêu bài làm ăn gian dối; càng gia tăng ngày một nhiều các kênh thông tin lên án những hành vi này; càng phổ biến những căn bệnh nan y với những con số không nhỏ được công bố từ các nhà chức trách về các nhóm nguyên nhân được cho là do tác động trực tiếp từ nguồn thực phẩm nhiễm bẩn… Nhưng dường như chưa hề có sự suy giảm những cách làm ăn gian dối từ phía người sản xuất lẫn giới kinh doanh trên lĩnh vực liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đã có rất nhiều chuyên gia đầu ngành về y tế, về pháp luật phân tích các mức độ gây hại của những việc làm gian dối trong kinh doanh thực phẩm bẩn; bàn, đề nghị biện pháp xử lý, trừng trị đích đáng những hành vi đầu độc đồng loại từ cách làm ăn coi nhẹ tính mạng con người. Điều đó là cần thiết và hoàn toàn đúng. Nhưng có lẽ sẽ chưa đủ mạnh, chưa đủ độ cứng rắn nếu chỉ dừng lại ở bàn và đề xuất. Tất cả đều mới chỉ dừng lại ở giải quyết hậu quả khi vụ việc đã xảy ra chưa phải là sự vào cuộc tích cực của các ngành các cấp. Mà việc chặn đứng từ gốc các hành vi làm ăn gian dối, phi pháp, đầu độc, hủy hoại tính mạng con người cần phải được làm sớm hơn nữa, rộng hơn nữa trên phạm vi cả nước. Sức mạnh và sự uy nghiêm của kỷ cương, phép nước chưa đủ; mà phải chính là lòng nhân, là sự đấu tranh quyết liệt với cái xấu, với tội ác phải ăn sâu và điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân, từng ngày, từng giờ.

NGỌC MINH

.
.
.