.

Tăng năng suất lao động

Cập nhật: 20:06, 26/12/2017 (GMT+7)

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ khép lại năm 2017. Một năm với nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ gây ra, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng triệu người dân lao động. Vượt lên những nghịch cảnh đó, kinh tế của Việt Nam đã có sự bứt tốc ngoạn mục, đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Đây là một thành quả quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đặc biệt, càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang tăng trưởng từ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Có được những kết quả vượt bậc, đạt và vượt cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao trong năm 2017 là nhờ những nỗ lực thực hiện thông điệp “Nhà nước kiến tạo và hành động” của cả hệ thống chính trị, khởi nguồn của những chương trình hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiếp nối vai trò “Nhà nước kiến tạo và hành động”, tại Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF) mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu bật chủ đề của năm 2018 là năm “Tăng năng suất lao động”. Người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra kế hoạch 5 điểm nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội để tăng năng suất lao động (NSLĐ), tạo đà xây dựng nền kinh tế phát triển ổn định, với năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cao hơn. Đó là: Cải thiện hệ thống tín dụng nhằm nâng cao năng suất vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; Bố trí ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo để cải thiện trình độ và kỹ năng lao động; Cải cách thể chế pháp luật, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh; Chủ động hội nhập quốc tế, bảo đảm và giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và phát huy quyền làm chủ của người dân; Tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp năng suất còn thấp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn.

Thực tế cho thấy, NSLĐ của nước ta hiện đang ở mức đáng báo động, không chỉ thấp hơn so với các nước châu Á, mà cả  với khu vực Đông Nam Á. Số liệu khảo sát lao động - việc làm của các tổ chức quốc tế cũng đã chỉ rõ, NSLĐ của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/18 NSLĐ của Singapore, bằng 1/6 Malaysia, và bằng 1/3 NSLĐ của Thái Lan, Trung Quốc. Riêng trong khu vực ASEAN, NSLĐ của Việt Nam hiện tại chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và đang xấp xỉ bằng NSLĐ của Lào. Sự phân bổ không hợp lý cơ cấu lao động và kỹ năng lao động chưa được chuyên môn hóa cao là 2 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Theo đó, nông nghiệp là ngành có lực lượng lao động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng việc làm, với 46,8%, nhưng NSLĐ của lĩnh vực này đang ở mức rất thấp, chỉ bằng 22% NSLĐ của ngành công nghiệp và vào khoảng 29% NSLĐ của ngành dịch vụ.

Ở nước ta, từ trước đến nay, nguồn lực chính trong tăng trưởng kinh tế là vốn và lao động. Tuy nhiên, khi hệ thống tín dụng chưa hoàn thiện để nâng cao năng suất vốn và hiệu quả sử dụng nguồn lực, khi lợi thế về chi phí lao động thấp đang có xu hướng giảm nhanh, thì tăng NSLĐ là một trong những giải pháp quan trọng của động lực tăng trưởng kinh tế. Do đó, trước mắt cần tập trung cải thiện mối quan hệ giữa nâng cao trình độ lực lượng lao động với việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Mặt khác, cần thay đổi phương thức đào tạo nghề, đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp; kết hợp nghiên cứu khoa học với sản xuất, làm ra sản phẩm có chất lượng. Các địa phương, các doanh nghiệp cần chú trọng phương thức đào tạo lại và đào tạo nâng cao để hoàn thiện tay nghề cho người lao động đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất. Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, dân chủ để người lao động chủ động, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu tăng NSLĐ qua từng tháng, từng quý.

HOÀNG LÊ
.
.
.