Đừng để bắt trộm mà bị đi tù
Xóm tôi vừa bị trộm đột nhập ngay giữa ban ngày. Chủ nhà về giữa chừng, phát hiện có trộm lẻn vào nhưng không dám hô hoán vì vào buổi sáng, cả xóm đều đi vắng, nghĩ rằng, có hô hoán cũng không ai “xắn tay áo” cùng bắt trộm, mà có gọi công an tới cũng sẽ không kịp, nếu chẳng may sơ sểnh để trộm phát hiện ra, chống cự lại đôi khi to chuyện. Thế nên, chủ nhà chỉ đánh động cho tên trộm “chuồn êm” và báo công an tới để điều tra vụ việc.
Đây không phải là lần đầu tiên xóm tôi có trộm, rút kinh nghiệm những vụ trộm đột nhập ấy nên hầu như nhà ai cũng cẩn thận, không để tiền bạc hay đồ quý giá gì trong nhà. Đã có lần cả xóm được hô hoán cùng xông ra bắt trộm, giải đến trụ sở công an. Những vụ bắt trộm ấy đều được coi là đúng pháp luật.
Sở dĩ nói như vậy, bởi thời gian gần đây, không ít vụ bắt trộm đã khiến cho chủ nhà và những người cùng bắt trộm phải vướng vòng lao lý. Bỗng dưng đang là người ngay trở thành kẻ vi phạm pháp luật khi làm tổn hại đến thân thể trộm, thậm chí gây thương tích nghiêm trọng phải đi tù có thời hạn, phải “đền bù” cho trộm.
Điển hình như vụ bắt trộm ở Tây Ninh, khi bị xử 12 tháng tù treo, chủ nhà đã bức xúc mà rằng: “Nếu tòa tuyên như vậy thì kẻ trộm sẽ lộng hành, còn ai dám bắt trộm nữa!”. Ở vụ án hy hữu này, chủ nhà chỉ vì đuổi theo tên trộm hụt nên đã dùng chĩa đâm vào người trộm sau khi tên trộm leo lên tường rào và không chịu xuống. Giám định thương tật, trộm bị tổn thương ở vùng bụng lên đến 73%. Ở một vụ việc khác vừa được đưa ra xét xử cách đây không lâu, cũng chỉ vì canh bắt trộm quá tay mà đã có 2 trường hợp tại TP.Vũng Tàu bị xử phạt từ 12 đến 15 tháng tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”. Ở vụ bắt trộm này, các bị cáo còn phải bồi thường 88 triệu đồng cho bị hại là tên trộm do đã khiến cho trộm bị đa chấn thương phần mềm ở các vùng đầu, ngực trái, tay trái, gãy xương trụ tay trái, thương tích 15%. Những bị cáo kể trên, chỉ khi ra tòa mới vỡ lẽ hóa ra mình vi phạm pháp luật.
Trên các diễn đàn xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ vì bắt trộm mà phải đi tù thì đúng là quá vô lý, khiến cho không ai còn dám bắt trộm và khiến cho trộm cắp ngày càng lộng hành hơn. Đành rằng, hành vi đột nhập nhà ở người khác, trộm cắp là hành vi trái pháp luật vì vậy chủ nhà tự vệ là cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật về tự vệ chính đáng. Vậy nhưng, nếu chỉ xét trên phương diện tự vệ chính đáng mà gây tổn thương nghiêm trọng cho người khác thì rõ ràng đã vi phạm pháp luật, không đơn thuần là tự vệ chính đáng nữa. Bởi, pháp luật không cho phép và nghiêm cấm mọi người dân dùng vũ lực để tấn công người khác dẫn đến trọng thương, dù người đó đang thực hiện một hành vi bất hợp pháp. Nếu đánh người thì có thể bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác hoặc tội “Giết người”.
Ở thời điểm này, đã bước vào giai đoạn cuối năm, trộm cắp, cướp giật có xu hướng gia tăng, vì vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan cần phải tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự. Song song với đó, cũng cần tuyên truyền để người dân nắm bắt, hiểu biết về pháp luật để không vô tình vi phạm pháp luật. Theo lời khuyên của các chuyên gia, trong trường hợp phát hiện có trộm vào nhà mọi người nên cố gắng bình tĩnh và khéo léo để xử lý vụ việc, đừng để chuốc họa vào thân một cách oan uổng vì khoảng cách giữa tự vệ chính đáng và cố ý gây thương tích là rất mong manh. Mọi người chỉ nên có biện pháp ngăn chặn không cho tên trộm tiếp tục thực hiện hành vi như hô hoán, ngăn cản hay cùng người dân bắt trộm để giao công an xử lý và dừng lại ở đây là đủ.
SƠN TRÀ