.

Bàn thêm về DN khoa học - công nghệ

Cập nhật: 20:21, 22/12/2017 (GMT+7)

Ngày 20-12-2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng chủ trì hội nghị thường niên “Một năm hoạt động của DN Khoa học - Công nghệ (DN KH-CN)”. Đại diện lãnh đạo các Sở KH-CN, DN KH-CN, bao gồm các DN KH-CN tiềm năng cả nước tham dự hội nghị. Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT (Busadco), DN KH-CN đầu tiên của tỉnh và miền Đông Nam bộ, DN tiêu biểu trong số hơn 300 DN KH-CN cả nước, được Thứ trưởng Trần Văn Tùng biểu dương. Cũng tại hội nghị này, theo giới thiệu của Thứ trưởng Trần Văn Tùng, ông  Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT đã được các DN KH-CN tín nhiệm bầu chọn làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ DN KH-CN Việt Nam. 

Tính đến tháng 8-2017, cả nước có 303 DN được cấp giấy chứng nhận DN KH-CN, tăng 69 DN so với tháng 6-2016. Một số địa phương có số DN KH-CN tăng, tiếp tục phát huy thế mạnh như TP. Hà Nội (38 DN); TP. Hồ Chí Minh (29 DN); Thanh Hóa (18 DN); Quảng Ninh (10 DN); Long An (9 DN); nhiều địa phương khác chỉ có từ 2 đến 3 DN KH-CN. Số đông các DN đều sử dụng những kết quả KH-CN, không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Tổng doanh thu từ các sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN đạt 4.636,67 tỷ đồng. Năm 2017, DN KH-CN giải quyết hơn 20.000 việc làm cho xã hội. Đây là kết quả đáng khích lệ, phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, theo báo cáo được nêu ra tại hội nghị, đến nay vẫn còn một số địa phương chưa có DN KH-CN.

Tại hội nghị, gần 20 ý kiến tham luận thẳng thắn, thiết thực, kiến nghị nhiều vấn đề bức xúc từ các chủ tịch, tổng giám đốc các DN KH-CN; từ các DN KH-CN tiềm năng; từ lãnh đạo các sở KH-CN. Có một thực tế đang cản trở sự phát triển DN KH-CN chính là rào cản của không ít thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, chồng chéo từ chính các cơ quan quản lý. Một số lãnh đạo DN kiến nghị, cơ quan quản lý chưa thực sự là “bà đỡ” cho DN KH-CN. Các DN KH-CN rất cần một “mái nhà chung” hỗ trợ lẫn nhau phát triển kiểu hình mẫu câu lạc bộ  DN KH-CN. 

Hiện nay, DN KH-CN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và sự mong đợi; việc thương mại hóa kết quả KH-CN mới còn chậm. Các vướng mắc, rào cản về thủ tục hành chính cần được gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt pháp lý để DN KH-CN phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động, thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH-CN vào đời sống, sản xuất, kinh doanh, trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng.

Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-CN chỉ đạo, năm 2018 và các năm tiếp sau, cần tiếp tục phát triển, mở rộng hoạt động các DN KH-CN. Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ về DN KH-CN có những điểm mới nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự hình thành và phát triển DN KH-CN, bao gồm cả việc thương mại hóa kết quả KH-CN mới.

KH-CN là đòn bẩy tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, gạt bỏ lạc hậu, chậm tiến, tụt hậu. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hình thành, phát triển DN KH-CN là đòi hỏi tất yếu, khách quan của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, thúc đẩy việc ứng dụng KH-CN vào đời sống kinh tế - xã hội, con đường đưa đất nước ta phát triển, giàu mạnh.

HẢI VÂN

.
.
.