.

Sự tăng trưởng ấn tượng của du lịch

Cập nhật: 20:36, 18/12/2017 (GMT+7)

Ngành du lịch Việt Nam kết thúc năm 2017 với con số ấn tượng khi đón khoảng 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29% so với năm 2016. Tính chung 2 năm 2016 và 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 60% so với năm 2015. Đây là mức tăng chưa từng có từ trước đến nay. 

Những con số ấn tượng trên là kết quả từ sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các DN du lịch trên cả nước. Đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp đó, Chính phủ đã có nhiều hành động để cụ thể hóa Nghị quyết trên như: ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08; gia hạn miễn thị thực cho công dân một số nước châu Âu vào Việt Nam; cấp thị thực điện tử cho du khách một số nước... Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch và các địa phương cũng tổ chức nhiều đoàn, nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại nước ngoài nhằm thu hút du khách.  

Song song đó, môi trường du lịch tiếp tục được cải thiện. Bộ VH-TT-DL, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã đẩy mạnh thực hiện công tác chấn chỉnh an ninh trật tự tại các điểm đến, bảo đảm an toàn cho du khách. Chính trị ổn định, hình ảnh về điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách là những điểm cộng trong mắt du khách nước ngoài khi nhắc tới Việt Nam. 

Tại BR-VT, năm 2017, ngành du lịch đã phục vụ 363 ngàn lượt khách quốc tế lưu trú, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong năm qua, đã có khoảng 170 ngàn lượt khách quốc tế cập cảng BR-VT bằng đường biển (không lưu trú), trong đó khoảng 25% lượng khách đi city tour tham quan, mua sắm tại BR-VT, còn lại là đi tour tham quan TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Tuy rằng tỉ lệ khách nước ngoài trong tổng lượng khách đến BR-VT còn ít (khoảng 13% lượng khách lưu trú) nhưng năm 2017, hoạt động đón khách nước ngoài của ngành du lịch BR-VT cũng có nhiều dấu hiệu tích cực: nhiều khách sạn, KDL trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu đón khách nước ngoài trở lại, sau 2-3 năm vắng bóng, đặc biệt là khách đến trú đông từ các nước châu Âu - dòng khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành du lịch Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức. Đó là tình trạng người nước ngoài nhập cảnh để kinh doanh lữ hành và làm hướng dẫn viên du lịch trái phép, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nhưng chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt với khách Hàn Quốc, Trung Quốc. Ngoài ra, năng lực và nguồn lực tài chính của nhiều DN lữ hành Việt Nam còn hạn chế nên không chủ động được trong việc kết nối tạo sản phẩm du lịch, dễ bị các đối tác nước ngoài chi phối; chấp nhận lợi nhuận thấp, để cho đối tác tự điều hành. Các công ty lữ hành nước ngoài gửi khách dựa vào lợi thế khách đông để ép giá và chi phối các hãng hàng không, các công ty nhận khách và nhà cung ứng dịch vụ tại điểm đến. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số DN lữ hành Việt Nam còn thấp; một số DN, hướng dẫn viên Việt Nam cấu kết, tiếp tay cho người nước ngoài núp bóng kinh doanh điều hành, tổ chức tour trái phép tại Việt Nam. Tình trạng xung đột lợi ích giữa các nhóm tổ chức, cá nhân tham gia đón khách du lịch làm ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến, chất lượng dịch vụ cũng như vấn đề an ninh trật tự tại một số địa phương chưa được giải quyết triệt để. Sản phẩm du lịch nhìn chung còn nghèo nàn, chưa hấp dẫn nên không giữ chân được du khách lưu lại dài ngày và quay trở lại vẫn là bài toán khó, chưa có lời giải… 

Dư địa phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng vẫn còn nhiều. Nếu khắc phục được những hạn chế nêu trên, ngành du lịch sẽ còn gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa và trong tương lai sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, như mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, với tổng thu 35 tỷ USD, đóng góp 10% vào GDP. 

ĐỨC NGUYÊN

.
.
.