Khủng hoảng giá trị gia đình!
Năm 2017, nhiều vụ án gây rúng động dư luận đã được các cơ quan pháp luật điều tra, làm rõ và giới truyền thông chú ý đưa tin. Nổi lên trong số đó là các vụ án mà kẻ thủ ác cũng như nạn nhân là người trong gia đình hoặc họ hàng, bà con thân thuộc. Nghịch tử giết cha mẹ, vợ giết chồng hoặc chồng sát hại vợ, cháu giết bà, anh em thảm sát nhau… Sự “xuống tay” không kém phần lạnh lùng và ác độc.
Vụ án vợ giết chồng (ở Bình Dương) rồi phân xác bỏ vào bao mang đi phi tang ở nhiều nơi hoặc vụ án chồng giết vợ (ở Hà Nội) rồi viết chữ “phản bội” lên bụng gây chấn động dư luận mấy ngày qua là một minh chứng.
Ngay tại BR-VT cũng không thiếu những vụ việc có tính chất man rợ như vậy: 4 năm trước, nghi ngờ vợ không chung thủy, một thanh niên ở huyện Đất Đỏ đã giết chết người bạn đời rồi giấu xác dưới hầm cầu, mãi đến tháng 5 vừa qua mới bị phát hiện; Hoặc như vụ án ông bố dượng 52 tuổi, trú tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc bị con riêng của vợ chửi và dọa đuổi khỏi nhà, đã mua xăng về đổ quanh phòng rồi châm lửa đốt, khiến nạn nhân thiệt mạng. Hành vi của những kẻ thủ ác vượt lên cả “tội ác thông thường” đó khiến người ta không khỏi rùng mình kinh sợ, nó cho thấy cái ác, phi nhân tính không chỉ xảy ra ngoài xã hội mà nay đã len lỏi vào tận gia đình. Kẻ thủ ác đã đền tội, trả giá nhưng câu chuyện khủng hoảng về đạo đức, lối sống, về giá trị gia đình thì vẫn chưa khép lại.
Tội ác giết người trong gia đình, dòng họ chỉ mới xuất hiện trong một vài năm trở lại đây nhưng các chuyên gia tâm lý xã hội cũng đã kịp thời “giải mã” nguyên nhân: Đó là hệ quả của sự đứt gãy các hệ giá trị của xã hội mà đặc biệt là sự khủng hoảng, đứt gãy các giá trị trong gia đình. PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện xã hội học) lý giải, trong nhiều gia đình hiện đang dần mất đi những nền nếp, truyền thống đạo lý, nhân văn, văn hóa… Và đó chính là môi trường để tội ác nảy sinh và phát triển. Khảo sát gia cảnh, nhân thân, trình độ, nhận thức của các kẻ thủ ác cho thấy hầu hết đều có trình độ văn hóa thấp, thiếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình, suy nghĩ nông cạn, ít hiểu biết về xã hội, lệch lạc về chuẩn mực sống, mang nặng sự ích kỷ cá nhân. Khi gặp stress hoặc xung đột, mâu thuẫn với người thân cộng với thiếu sự kiềm chế, cái ác trong con người lập tức trỗi dậy. Cơn nóng giận, điên loạn bất ngờ bùng lên đã khiến họ bất chấp tình thân, bỏ qua tình máu mủ, ruột rà, xuống tay giết hại người thân. Những hành vi thể hiện sự rối loạn tâm lý, đạo đức, nhân cách trên đây có nguyên nhân sâu xa từ tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, giáo dục pháp luật bị buông lỏng, chất lượng cuộc sống - nhất là đời sống tinh thần không được như mong muốn. Con người cảm thấy không an toàn về mặt tâm lý, tinh thần. Lối sống hưởng thụ, thực dụng chạy theo những giá trị vật chất, sự túng quẫn về vật chất, cái đói nghèo đeo đẳng đã khiến không ít người đánh mất niềm tin vào cuộc sống, vào người thân. Trong bối cảnh đó, chỉ cần một câu nói nặng lời, một ánh mắt khinh khi cũng dẫn đến cách ứng xử lệch lạc, thổi bùng lên ngọn lửa bạo lực.
Ở các nước phát triển, mâu thuẫn gia đình thường được giải quyết từ gốc, nghĩa là các mâu thuẫn được hóa giải trước khi chúng bùng nổ thành hành vi. Trong vấn đề này, các nhà tư vấn tâm lý, trung tâm tư vấn tâm lý đóng vai trò quan trọng. Ở nước ta, sự tham gia của các trung tâm tư vấn trong vấn đề giải quyết bạo lực gia đình hầu như không đáng kể. Việc phân tích, mổ xẻ những nguyên nhân để từ đó có các giải pháp cho vấn đề bạo lực gây chết người trong gia đình chưa được thực hiện kịp thời. Đây thực sự là một nỗi lo cần được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.
Tăng cường giáo dục pháp luật, đề cao đạo đức, truyền thống, củng cố lại các giá trị gia đình, giảm bớt những “nút van” căng thẳng, áp lực nặng nề về cuộc sống, thu nhập, việc làm, học hành… sẽ giúp các thành viên trong gia đình quan tâm đến nhau hơn, gắn kết bền chặt hơn, không chỉ đủ sức đề kháng mà còn ngăn chặn được nguy cơ tội ác có thể xảy ra.
NGUYỄN TRIỆU HẢI