Kiến tạo môi trường phát triển dịch vụ logistics
BR-VT là địa phương có thế mạnh về khai thác kinh tế cảng biển và phát triển dịch vụ logistics. Toàn tỉnh hiện có 31 cảng biển đang được khai thác; hơn 140 DN hoạt động dịch vụ logistics, nhưng phần lớn là DN quy mô nhỏ. Nhưng tương tự như cả nước, giá dịch vụ vận chuyển của dịch vụ logistics từ các nơi đến các cảng nằm trên địa bàn BR-VT khá cao. Đơn cử, chi phí vận chuyển 1 lô hàng từ TP. Hồ Chí Minh đi Singapore chỉ có 1-2 triệu đồng, nhưng từ TP. Hồ Chí Minh đi các cảng ở BR-VT và ngược lại lên tới hơn 5 triệu đồng, mặc dù quãng đường chỉ có khoảng 100km.
Thực tế cho thấy, sự phát triển ngành logistics ở Việt Nam nói chung và tại BR-VT nói riêng còn nhiều hạn chế, như: Công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt là năng lực cạnh tranh (công nghệ, giá dịch vụ…) của các DN logistics ở Việt Nam còn thua kém DN logistics nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập giao thương thế giới ngày càng sâu rộng, vấn đề phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam trở thành một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là yêu cầu cấp bách hiện nay. Từ thực trạng này, Chính phủ đã đề ra mục tiêu giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Nhằm đạt mục tiêu trên, tự bản thân các DN logistics cần tái cấu trúc hoạt động sản xuất, thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa; Ứng dụng các công nghệ mới trong cung ứng dịch vụ, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics. Bên cạnh đó, Nhà nước đảm nhiệm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam. Cụ thể, hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý tương xứng với trình độ phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam; tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước; Hình thành các DN dịch vụ logistics đầu tàu quy mô lớn (tập đoàn, tổng công ty) có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, để hỗ trợ phát triển các DN logistics quy mô vừa theo phương châm hiện đại - chuyên nghiệp trên tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
NHỰT THANH