.

Chuyện làm "rau công nghệ"

Cập nhật: 20:28, 19/12/2017 (GMT+7)

Tỉnh BR-VT đã quyết định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sau đây gọi tắt là NNCNC), đã ban hành Đề án phát triển NNCNC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, quy hoạch hơn 5.000ha đất để triển khai sản xuất NNCNC, tổ chức học hỏi một số mô hình NNCNC ở trong nước và nước ngoài, đã có 23 tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất NNCNC trên diện tích 645ha, đóng góp 21,5% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhưng tất cả vẫn còn là những bước đi ban đầu, trong đó có việc đi tìm lời giải cho câu hỏi: Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất những loại nông sản cụ thể gì?

Diễn biến gần đây của thị trường đang phát tín hiệu trả lời một cách tin cậy, là hãy đầu tư sản xuất và xuất khẩu rau-hoa-quả vì nhiều năm nay, rau-hoa-quả (RHQ) nói chung - và đặc biệt là trái cây - đã trở thành nhóm sản phẩm có doanh thu xuất khẩu lớn và dẫn đầu. Thống kê trong 9 tháng của năm 2017, xuất khẩu RHQ đạt 2,62 tỷ USD, trong khi dầu thô là 2,2 tỷ USD và gạo 2,04 tỷ USD. Những năm 2011 - 2016, xuất khẩu dầu thô và gạo đạt mốc cao nhất với những con số tương ứng là 8,2 tỷ USD và 3,674 tỷ USD vào năm 2012, nhưng sau đó giảm còn 2,4 tỷ USD và 2,16 tỷ USD vào năm 2016.

Trong khi đó, cũng thời gian này, xuất khẩu RHQ tăng rất mạnh, bình quân tới 32%. Giới chuyên môn đưa ra dự báo thận trọng, rằng xuất khẩu RHQ trong các năm 2017 - 2020 chỉ tăng 25%, từ năm 2020 - 2025 tăng 18%; nhưng như thế doanh thu xuất khẩu RHQ năm 2020 cũng là 6 tỷ USD, còn năm 2025 là 13 tỷ USD – lớn hơn nhiều lần mức dự báo với cà phê, gạo, dầu thô. Nhiều thị trường lớn trên thế giới đã nhập RHQ Việt Nam, nhu cầu của thế giới về RHQ rất lớn và đó là cơ hội, là tương lai của ngành sản xuất RHQ bằng NNCNC của Việt Nam.

Nhưng sản xuất RHQ bằng NNCNC cần đầu tư vốn lớn. Theo báo BR-VT, tháng 10-2017, một đoàn công tác của tỉnh đã thăm nơi trồng cà chua trong nhà kính tại  khu NNCNC Toyotane, tỉnh Aichi của Nhật Bản.  Tại đây, cứ 1.000m2 trồng 3.000 cây, có 3 công nhân làm việc, sản lượng mỗi tháng 40 tấn, doanh thu 2,3 tỷ đồng; nhưng vốn đầu tư từ 6-8 tỷ đồng, tức 60-80 tỷ đồng/ha.

Ở nước ta, suất đầu tư thấp hơn, nhưng cũng không phải nhỏ; thực tế sản xuất của 23 tổ chức, cá nhân đang thực hành NNCNC với diện tích 645ha trên địa bàn tỉnh cho thấy, ai cũng phải đầu tư tiền tỷ. Trong khi đó, họ đều là các hộ sản xuất hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), nguồn vốn mỏng. Với NNCNC, không có vốn lớn thì không thể mở rộng sản xuất, khó tạo ra sự lan tỏa, khó giúp nông dân học và làm được theo cách sản xuất mới để có thể giàu lên - như mong muốn của các nhà lãnh đạo tỉnh khi nói về NNCNC.

Từ hơn một năm nay, gói tín dụng ưu đãi 100 ngàn tỷ đồng được Chính phủ bố trí để cho các dự án NNCNC vay, nhưng các DN sản xuất NNCNC vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn này. Lý do, vì đây là lĩnh vực đầu tư mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến các ngân hàng ngần ngại, DN - nhất là DNNVV khó khăn trong tài sản thế chấp, chưa có cơ quan, đơn vị nào đứng ra xác nhận vào hồ sơ của DN rằng “đây là dự án ứng dụng công nghệ cao”… Vì thế, nguồn vốn đang là vấn đề, là điểm nghẽn của NNCNC.

BR-VT là tỉnh có năng lực lớn về sản xuất nông nghiệp, trong đó có trái cây và RHQ nói chung. Khi tỉnh đã quyết định phát triển NNCNC và trước xu thế RHQ sẽ trở thành loại nông sản xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong khoảng 10 năm tới, thiết nghĩ ngành NN-PTNT nên “chạy đua” với các địa phương trong việc xây dựng chương trình và tổ chức sản xuất những sản phẩm RHQ cụ thể để xuất khẩu. Trên địa bàn đang có sẵn các dự án của 23 tổ chức, cá nhân sản xuất NNCNC trên diện tích 645ha và một số HTX sản xuất trái cây đặc sản, như HTX Nhân Tâm trồng nhãn ở Xuyên Mộc, HTX Sông Xoài trồng bưởi da xanh ở huyện Tân Thành. Ngành NN-PTNT nên chọn trong đó một số đơn vị đang hoạt động ổn định, có sản phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường (như HTX Sông Xoài, HTX Nhân Tâm)  để vận động họ xây dựng thí điểm mô hình sản xuất RHQ hướng đến xuất khẩu. Có lẽ chỉ thông qua cách này, tỉnh mới thuận lợi để hỗ trợ họ vay nguồn vốn ưu đãi từ gói ưu đãi làm NNCNC trị giá 100 ngàn tỷ đồng của Chính phủ như nói ở trên. Nhiều mô hình sản xuất - xuất khẩu RHQ bằng ứng dụng công nghệ đã thành công trên cả nước, nhiều kinh nghiệm đã được phổ biến, nên chúng ta cũng hoàn toàn tin vào khả năng thành công của các “nông dân” NNCNC của BR-VT.

HẢI THANH

 

.
.
.