Bứt phá từ nội lực
Bức tranh kinh tế BR-VT năm 2017 với những gam màu tươi sáng: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 7,09% (NQ 6,7%) và lần đầu tiên nguồn thu nội địa cao hơn thu từ dầu khí. Đây là một sự chuyển biến mang tính đột phá, khẳng định mạnh mẽ nội lực của tỉnh.
Từ nhiều năm qua, nhắc đến BR-VT ai cũng nghĩ đến sự thịnh vượng có được từ nguồn tài nguyên quốc gia là dầu khí. Từ khi giá dầu sụt giảm, ngành dầu khí gặp nhiều khó khăn, thì cảng biển trở thành ngành kinh tế với kỳ vọng dần thay thế vị trí của ngành dầu khí. Tuy nhiên, phát triển cảng biển và dịch vụ logistics là cả một chiến lược, đòi hỏi phải có tầm nhìn, quy hoạch, xây dựng và khai thác hiệu quả, trong đó không thể bỏ qua yếu tố liên kết vùng. Vì vậy, trong hiện tại, hệ thống cảng biển BR-VT chưa thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh khi còn nhiều vấn đề vướng mắc chưa được tháo gỡ. Trong khi đó, BR-VT vẫn còn nhiều thế mạnh khác như: du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… Năm 2017, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, kết quả là, hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm đều đạt tốc độ tăng trưởng vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng thu ngân sách đạt 67.573 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 8,6%.
Những kết quả đạt được của năm 2017 là một bước đột phá, tạo đà cho năm 2018 và những năm tiếp theo. Nếu tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, xác định và khuyến khích đầu tư vào đúng những ngành có nhiều tiềm năng và triển vọng thì nhất định BR-VT sẽ gặt hái nhiều kết quả khả quan. Trước hết, cần mở cánh cửa thu hút đầu tư, chọn lọc những nhà đầu tư có năng lực, có trách nhiệm và thiện chí đầu tư vào những ngành được xác định là kinh tế chủ lực. Chấm dứt tình trạng nhà đầu tư mòn mỏi chờ thủ tục do một thủ tục phải qua nhiều cửa, mỗi cửa chậm một vài tuần, thậm chí vài tháng; Hoặc tình trạng không sở, ngành nào dám trả lời dứt khoát lời đề nghị của nhà đầu tư, bởi không xác định được ngành nghề đầu tư có phù hợp với chính sách của Nhà nước, của địa phương hoặc phù hợp với quy hoạch hay không. Trường hợp vướng về thủ tục pháp lý, hoặc chính sách tài chính, đất đai vượt thẩm quyền thì địa phương phải xin ý kiến cấp trên, không nên “ngâm” quá lâu, làm nản lòng nhà đầu tư.
Về vấn đề quy hoạch, tại kỳ họp HĐND vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bức xúc nói: “Quy hoạch là thúc đẩy hay cản trở phát triển. Đụng tới dự án nào cũng hỏi có quy hoạch chưa, chưa thì phải nằm chờ, mà có thì chưa chắc nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu. Bởi, trên thực tế có những quy hoạch không khả thi, quy hoạch không phù hợp với yêu cầu phát triển dài hạn... Từ thực trạng mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu ra cho thấy, cần có một cuộc tổng rà soát quy hoạch, mạnh dạn đưa ra xem xét hủy bỏ hoặc điều chỉnh đối với những quy hoạch không khả thi, quy hoạch chồng chéo, lạc hậu, không phù hợp với thực tế. Trên cơ sở đó mới có thể chỉ rõ cho nhà đầu tư ngành nào, địa phương nào cần đầu tư gì, yêu cầu cụ thể ra sao…
Các thủ tục hành chính khác liên quan đến doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được cải cách như thuế, hải quan, tín dụng… nhằm giúp doanh nghiệp giải tỏa những vướng mắc không đáng có, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, cần triển khai nhanh chóng những chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vào các lĩnh vực mũi nhọn như: du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Khơi thông nguồn vốn chảy mạnh vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều của cải vật chất và việc làm cho người lao động. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm, dịch vụ như “chặt chém” du khách, đưa chất bẩn, hóa chất vào thực phẩm, sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không bảo đảm an toàn…
Giải quyết đồng bộ những vấn đề nêu trên tạo ra nguồn lực mới hy vọng sẽ làm chuyển biến mạnh mẽ các ngành kinh tế nội lực của BR-VT trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
LAM PHƯƠNG