Ngăn chặn tín dụng đen
Cuối năm là thời điểm nhu cầu vay tiêu dùng của người dân lại tăng đột biến. Điều này dễ dẫn tới những rủi ro và hệ lụy nếu người đi vay có quan hệ giao dịch với các tổ chức tín dụng hoạt động không minh bạch hoặc bị rơi vào “bẫy” tín dụng đen (TDĐ).
Thực tế cho thấy, hoạt động của TDĐ diễn ra khá phổ biến và ngày càng biến tướng dưới nhiều hình thức, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của nhiều gia đình và trật tự an toàn xã hội. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn do TDĐ gây ra, thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều cá nhân và gia đình. Nạn nhân của các vụ việc liên quan đến TDĐ cũng rất đa dạng, thuộc nhiều lứa tuổi, trình độ học vấn và tính chất công việc khác nhau. Mặt khác, do lòng tham, hám lời, nhiều người bị rơi vào bẫy của TDĐ, từ vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao đã trở thành nạn nhân và cũng là đối tượng tham gia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hệ lụy phát sinh từ TDĐ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, như: Bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, phổ biến nhất là hành vi cầm cố, thế chấp tài sản. Theo đó, thời gian qua TDĐ liên quan tới 6.367 vụ vi phạm pháp luật, trong đó có 43 vụ giết người, 405 vụ cố ý gây thương tích, 588 vụ cướp tài sản, 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản….
Tuy nguồn vốn ngân hàng đã và đang góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, nhưng TDĐ vẫn có đất sống, vẫn len lỏi không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, mà tồn tại ngay cả ở các thành phố, khu đô thị! Mặc dù ai cũng hiểu TDĐ là tín dụng phi chính thức, là hình thức tín dụng tư nhân, nằm ngoài khuôn khổ hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhưng vì sao nhiều người vẫn bị rơi vào vòng xoáy của “bẫy” vay nóng, trả tiền lãi hàng ngày, hàng tháng hoặc ở các vùng nông thôn là trả bằng hiện vật (lúa, ngô, tiêu, cà phê…)? Diễn biến của những vụ việc liên quan đến TDĐ cũng đã chứng minh rõ điều đó. Bởi xuất phát từ việc vay mượn diễn ra rất dễ dàng, nhiều khi vay chỉ bằng miệng, không cần thế chấp, không hợp đồng, nên người đi vay dễ bị sa vào những mánh lừa gạt đơn giản ban đầu. Lãi suất vay thỏa thuận thường được chủ nợ thực hiện ở nhiều mức khác nhau: 3.000 đồng/triệu/ngày, có khi là 5.000 đồng/triệu/ngày hoặc cao hơn là 7.000 đồng/triệu/ngày. Khi cần tiền phải vay mượn gấp, nhiều người cứ nghĩ đấy là khoản tiền nhỏ, chẳng đáng là bao, nhưng cộng dồn cả tháng thì lãi suất lên tới 9-10%/tháng (tương đương 100-120%/năm), thậm chí là 21%/tháng (hơn 250%/năm). Cao gấp hàng chục lần so với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Dẫn tới hệ lụy chỉ từ một khoản vay vài chục triệu đồng ban đầu, mà nhiều hộ gia đình sau nhiều năm vẫn không trả được nợ gốc, dẫn tới bị xiết nhà, bị cầm cố, thế chấp tài sản.
Tình trạng TDĐ kéo dài đã nhiều năm và vẫn len lỏi, “sống” được ở mọi nơi, mọi lúc. Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, TDĐ vẫn còn tồn tại là do những bất cập trong các hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng, do vẫn còn những kẽ hở trong các quy định của pháp luật, do chế tài chưa nghiêm tại một số địa phương. Vì vậy, ngăn chặn và đẩy lùi TDĐ là một yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với ngành tín dụng, ngân hàng và các cấp chính quyền, nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, nhất là các hộ nghèo và người dân ở vùng sâu vùng xa. Điều đó đòi hỏi các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng nhân dân cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều sản phẩm cho vay ngắn hạn. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông và xử lý nghiêm các vụ việc do TDĐ gây ra; thực hiện tín dụng chính sách gắn với các chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
HOÀNG LÊ