THÊM MỘT ĐÒN CHÍNH TRỊ GIÁNG VÀO ÔNG BUSH
Đúng như lời hứa với cử tri lúc tranh cử, tối 18-4, tân Thủ tướng Tây Ban Nha ông Jose Luis R.Zapatero, bất chấp sức ép của Nhà trắng đã tuyên bố trên truyền hình kế hoạch rút toàn bộ 1.300 quân lính nước này đang tham chiến với quân Mỹ tại Iraq về nước, trong vòng 6 tuần lễ. Đã nói là làm, ngày 19 và 20-4, máy bay quân sự được Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha huy động chuyên chở các thiết bị phục vụ cho việc rút quân. Ngày 21 – 4, những đơn vị đầu tiên của quân đội Tây Ban Nha đã được lệnh rời Iraq.
Quyết định rút quân khỏi Iraq của Tây Ban Nha đã gây tác động dây chuyền, mở đầu cho việc rút quân khỏi Iraq của một số nước khác. Ngày 21- 4, Thủ tướng Thái Lan tuyên bố: “Chúng tôi sẽ theo gương Tây Ban Nha sớm xem xét việc rút binh lính và các bác sỹ người Thái làm nhiệm vụ nhân đạo ở Iraq, vì tình hình ở đây ngày càng bất ổn”. Ngay lập tức, Tổng thống Honduras Ricardo Maduro đã quyết định rút 368 binh lính khỏi Iraq trong những ngày sắp tới. Cùng với Honduras, CH Dominica cũng quyết định rút quân như Tây Ban Nha. Một số người có trách nhiệm trong Chính phủ Nhật Bản, Ba Lan, El Salvador… cũng đã bày tỏ quan điểm sớm xem xét việc rút quân khỏi Iraq. Dư luận nhiều nước châu Âu công khai bày tỏ thái độ đồng tình với Tây Ban Nha trong vấn đề Iraq; rằng “ Cuối cùng Tây Ban Nha đã quay trở về với châu Âu !”; “ Tây Ban Nha đã kịp thời sửa sai ! ”.
Việc có thêm nhiều quốc gia theo gương Tây Ban Nha rút lui khỏi Iraq là một xu thế tất yếu, khó cưỡng lại nổi. Số lượng quân của các quốc gia này tại Iraq không nhiều so với quân đội Mỹ, nhưng đó lại là hình ảnh chính trị cần thiết của ông chủ Nhà trắng G.Bush. Mỹ rất cần sự chia sẻ về chính trị và tinh thần, trong cuộc trường chinh nhằm “ bình định ” đất nước Hồi giáo này. Hiện nay, tình hình Iraq vẫn căng thẳng và ngày càng diễn biến phức tạp theo chiều hướng bất lợi cho Mỹ. Các lực lượng nổi dậy người Hồi giáo Iraq công khai tuyên chiến với lực lượng liên quân do Mỹ cầm đầu. Thêm vào đó là các cuộc phản chiến, không theo lệnh chỉ huy của Mỹ từ các đơn vị đặc nhiệm Iraq, do Mỹ dựng lên. Việc quân đội Tây Ban Nha và một số nước quyết định rút khỏi “ chảo lửa” Iraq, sẽ có tác động góp phần làm suy yếu tinh thần chiến đấu của lực lượng liên quân. Trong vòng xoáy của cuộc tranh cử vào Nhà trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Bush đang yếu thế, phải đối phó với hàng loạt vấn đề rắc rối từ Iraq và từ “ cuộc chiến chống khủng bố ”.
Đặt trong bối cảnh đó, quyết định của Tây Ban Nha và một số quốc gia khác rút quân khỏi Iraq, rõ ràng là một đòn chính trị giáng vào ông Bush. Tổng thống Mỹ vẫn thường dương dương tự đắc lắm binh hùng, tướng mạnh, tiền bạc, súng đạn dư thừa, nhưng bản thân họ không phải không có gót Asin. Nước Mỹ – như nhận xét của nhiều học giả châu Âu– trong vấn đề Iraq nói riêng và chiến lược toàn cầu nói chung, có những khoảng trống tinh thần không thể che lấp, những điểm yếu về chính trị khó có thể khắc phục được.
Hải Vân