.
NGÀY THỨ HAI XÉT XỬ "VUA ĐỊA CHÍNH BÌNH CHÂU":

ĐẶNG NGỌC PHƯỚC LIÊN TỤC NÓI "BA KHÔNG"

Cập nhật: 08:22, 18/11/2004 (GMT+7)

l Lê Minh An xin tòa xem xét.

Ngày 17-11 ngày thứ hai của phiên tòa xét xử Đặng Ngọc Phước và Lê Minh An, Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo Đặng Ngọc Phước, Lê Minh An và hỏi các nhân chứng nhằm làm rõ các hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của các bị cáo.

Đặng Ngọc Phước tiếp tục phủ nhận hành vi nhận hối lộ 4.000 m2 đất của ông Ôn Thành Nghiệp (trú ở ấp Thanh Bình II, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) để giúp ông Nghiệp được cấp chủ quyền 63.583 m2 đất. Phước khai đó là đất do Lê Minh Hoàng, nguyên Trưởng ban Nông-lâm xã Bình Châu cho Phước, khi biết đất đó của ông Ôn Thành Nghiệp mua của Lê Minh Hoàng, Phước đã gặp ông Nghiệp và mua lại của ông Nghiệp với giá 5 triệu đồng và hai bên đã làm giấy tay mua bán có chữ ký của vợ chồng ông Nghiệp. Thế nhưng, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh sau khi giám định đã kết luận: mẫu chữ của vợ chồng ông Nghiệp với mẫu chữ ký trong giấy tờ sang nhượng đất là không phải do cùng một người ký và viết ra. Trước tòa, ông Nghiệp khai Phước ra điều kiện phải cho Phước 3-4 sào đất nhưng thực tế đã lấy của ông 6.240 m2 đất để đào 2 ao nuôi tôm. Vợ chồng ông không viết giấy sang nhượng đất và không nhận 5 triệu đồng như Phước khai. Khi Phước đã lấy đất mà không làm chủ quyền đất cho ông, ông đã làm đơn tố cáo Phước.

Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành côngvụ của Đặng Ngọc Phước thể hiện qua việc giúp Vương Đình Nhân (trú ở ấp Chánh, xã Gia Binh, Trảng Bàng, Tây Ninh) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 1.624 m2 đất của Nhà nước mà Nhân đã bao chiếm và hợp thức hóa hồ sơ đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 28.360 m2 đất cho Trần Bình Tuy (trú ấp Láng Găng, xã Bình Châu).

Trước tòa, Lê Minh An khai Phước chỉ đạo cho An ghi nguồn gốc đất mà Vương Đình Nhân chiếm của Nhà nước là đất do cha mẹ Nhân khai phá để lại. Hồ sơ đất của Nhân không được đưa ra Hội đồng xét duyệt cấp chủ quyền đất của UBND xã Bình Châu, nhưng sau cuộc họp Phước tiếp tục chỉ đạo An ghi vào biên bản cuộc họp hồ sơ đất của Vương Đình Nhân đã được xét duyệt có đủ các điều kiện để cấp chủ quyền rồi trình các thành viên trong hội đồng ký vào biên bản. Nhờ đó Nhân đã được UBND huyện Xuyên Mộc cấp chủ quyền 1.624 m2 đất màu. Sau đó, trong quá trình điều tra vụ án này, Nhân đã làm đơn xin trả lại đất và giao nộp giấy chủ quyền cho cơ quan điều tra. Lời khai của Vương Đình Nhân được Tòa công bố cũng khẳng định Phước chỉ đạo An làm hồ sơ rồi đưa cho Nhân ký. Phước khai mọi việc giúp Nhân có chủ quyền đất là do An tự làm, Phước không biết. Vị đại diện Viện kiểm sát đã khẳng định với cương vị phụ trách địa chính của xã, Phước thừa biết diện tích đất Nhân chiếm là đất mà một người dân khác khai phá trước đó đã bị xã thu hồi. Mặt khác Nhân là người không có hộ khẩu tại địa phương, không thuộc đối tượng được cấp đất nông nghiệp để sản xuất nên việc Phước chỉ đạo cho An tạo điều kiện cho Nhân làm chủ quyền diện tích đất nói trên là việc làm phạm pháp.

Lê Minh An cũng khai Phước đã dẫn ông Trần Bình Tuy đến UBND xã Bình Châu chỉ đạo An cho ông Tuy đăng ký kê khai 2 lô đất có diện tích tổng cộng 28.360 m2 và xác định đó là đất ông Tuy khai phá để ông Tuy xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Phước và An đều khai rằng sau đó hồ sơ đất của ông Tuy đã được Hội đồng xét duyệt xã thông qua nhưng vì dư luận thắc mắc nhiều nên các thành viên hội đồng đã không ký biên bản đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tuy. Trước tòa Phước khai biết đất đó là của Nhà nước quản lý nhưng vì ông Tuy là bộ đội phục viên nên muốn giúp ông có đất để ở. Tuy nhiên, trước cơ quan điều tra, vợ chồng ông Tuy đều khai không biết đất đó là đất gì, ở đâu, diện tích bao nhiêu. Vị đại diện Viện Kiểm sát cho rằng là cán bộ địa chính xã, Phước thừa biết ông Tuy đã có đất nhưng sau đó đã bán hết mà vẫn tạo điều kiện cho ông Tuy được cấp đất mới. Trong khi Phước gây khó khăn cho nhiều người, đặt điều kiện về tiền bạc, đất đai mới giúp họ xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất thì Phước lại có "lòng tốt" đến như vậy với ông Tuy? Động cơ cuối cùng của việc làm này chỉ nhằm khi ông Tuy có chủ quyền đất thì ông sẽ được một miếng, diện tích còn lại sẽ là của Phước.

Qua hai ngày xét xử, câu nói lặp đi lặp lại của Phước luôn là "không biết, không làm, không chỉ đạo” khiến chủ tọa phiên tòa phải gọi Phước là bị cáo "ba không".

Thời gian xét hỏi Lê Minh An về hành vi nhận hối lộ diễn ra ngắn hơn. An bị cáo buộc đã nhận hối lộ 21.700.661 đồng của 7 người dân trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ 14 trường hợp sang nhượng đất. Lê Minh An xin tòa xem xét vì An cho rằng số tiền An nhận không nhiều đến như vậy vì còn những chi phí khác mà cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát chưa tính hết. An cũng cho rằng An chỉ giúp cho những người thân quen nên đó là tiền họ bồi dưỡng xăng xe cho An chứ An không nghĩ đó là tiền hối lộ.

Sau khi nhận xét những hành vi phạm tội của các bị cáo đã được làm rõ, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi vào cuối ngày xét xử thứ hai.

Vĩnh Tường