.
HUYỆN TÂN THÀNH:

TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐANG BÁO ĐỘNG!

Cập nhật: 09:28, 08/11/2004 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, việc xây dựng mới và nâng cấp nhiều tuyến đường đã tạo đà cho huyện Tân Thành phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tai nạn giao thông ở huyện Tân Thành cũng theo đó ngày một gia tăng và trở thành mối quan ngại cho chính quyền địa phương.

CHỢ CHIẾM LÒNG ĐƯỜNG

Tuyến quốc lộ 51 đi qua địa phận huyện Tân Thành, đoạn từ phường Long Hương (TX.Bà Rịa) đến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) chỉ dài trên 25 km nhưng có rất nhiều đường cắt nhau nối với các nhà máy trong các khu công nghiệp Phú Mỹ, Mỹ Xuân ở hướng Tây Nam và nối với các vùng trồng trọt, chăn nuôi ở hướng Đông Bắc. Theo đó là việc phát triển các khu dân cư đã hình thành các chợ dọc tuyến quốc lộ này như: Chợ Mỹ Xuân (xã Mỹ Xuân), chợ Việt Kiều (đối diện giáo xứ Tân Phong), chợ Ông Trịnh (xã Tân Phước), chợ Phước Lộc, chợ Lam Sơn (xã Phước Hòa), chợ Chu Hải (xã Tân Hải). Điều đáng nói ở đây là chợ bày bán chiếm cả lòng đường, kết hợp với nhiều điểm giao nhau qua giải phân cách cứng và lưu lượng phương tiện giao thông lưu thông với mật độ khá dày nên đã xảy ra nhiều tai nạn giao thông.

Từ đầu năm đến nay, trên tuyến quốc lộ 51 thuộc địa bàn huyện Tân Thành đã xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông (toàn huyện xảy ra 54 vụ, làm chết 58 người, bị thương 49 người), trong đó có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Tân Thành Nguyễn Sỹ Khoan, các điểm xảy ra tai nạn giao thông trên quốc lộ 51 thường tập trung ở km 59 (Nhà thờ Chu Hải), km 54+100 (ấp Phước Hiệp, xã Phước Hòa), km 44 (ngã ba TT.Phú Mỹ), km 38 (xã Mỹ Xuân). Đó cũng chính là những nơi có các chợ kể trên. Các ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục và thực hiện nhiều biện pháp mạnh nhưng tình trạng lấn chiếm lòng đường của các hộ tiểu thương ở các chợ kể trên vẫn tiếp diễn.

NÂNG CAO Ý THỨC CỦA NGƯỜI THAM GIA GIAO THÔNG

Ban an toàn giao thông tỉnh đề xuất về một số biện pháp xử phạt bổ sung: Người điều khiển giao thông không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, đèn tín hiệu, chở quá quy định, chạy ngược chiều, quá tốc độ ngoài bị xử phạt theo Nghị định 15/2003/NĐ-CP còn bị tạm giữ phương tiện 7 ngày. Người đi môtô, xe máy không đội nón bảo hiểm ngoài bị phạt theo Nghị định 15/2003/NĐ-CP còn buộc phải quay đầu xe, nếu không chấp hành thì bị tạm giữ phương tiện 5 ngày. Cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên vi phạm trật tự an toàn giao thông ngoài bị xử phạt theo quy định còn bị thông báo về cơ quan chủ quản, trường học. Mức phí tạm giữ phương tiên do vi phạm trật tự an toàn giao thông: Xe đạp (3.000 đồng/ngày/đêm), xe môtô, xe gắn máy (5.000 đồng/ngày/đêm), xe ôtô du lịch (10.000 đồng/ngày/đêm), xe ôtô tải, xe ca (15.000 đồng/ngày/đêm).

Ngoài tuyến quốc lộ 51, huyện Tân Thành còn có các tuyến đường tỉnh lộ Mỹ Xuân đi Ngãi Giao (huyện Châu Đức) dài gần 20 km và các đường liên xã Phú Mỹ đi Tóc Tiên dài 7,5 km, Hắc Dịch đi Tóc Tiên dài 15 km … Trên các tuyến đường này cũng đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông kể từ đầu năm đến nay với các lỗi vi phạm như: Lưu thông lấn đường, không làm chủ tốc độ, vượt xe trái luật, điều khiển xe trong trạng thái say xỉn… Theo số liệu từ Đội CSGT huyện Tân Thành thì từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT của huyện được tăng cường của thanh niên tình nguyện đã tổ chức 476 ca tuần tra, kiểm soát với gần 4.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, đã xử phạt hơn 4.100 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông với tổng số tiền phạt hơn 756 triệu đồng, tạm giữ hàng trăm phương tiện, đánh dấu vi phạm 178 giấy phép lái xe ôtô, 320 giấy phép lái xe môtô. Tuy nhiên, tình trạng tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn huyện Tân Thành vẫn ngày càng gia tăng.

Hiện nay, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, lực lượng CSGT của huyện còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp vận tải ôtô, các trường học và các khu dân cư để tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ và các Nghị quyết, Nghị định của chính phủ về trật tự an toàn giao thông thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền trên sóng truyền thanh của huyện, nêu gương người tốt, việc tốt nhằm nâng cao ý thức chấp hành trật tự an toàn giao thông của mỗi người dân. Theo ông Nguyễn Sỹ Khoan: Việc ngăn chặn và giảm thiểu được tai nạn giao thông trên địa bàn tùy thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Ngoài việc tuyên truyền cần phải có biện pháp mạnh để răn đe, giáo dục như đối với học sinh phải thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông về nhà trường, người dân thì thông báo về các tổ dân cư để xem như một tiêu chí bình xét gia đình văn hóa hoặc cán bộ, công chức thì thông báo về cơ quan, đơn vị để bình bầu các danh hiệu lao động cuối năm. Có như vậy, việc chấp hành trật tự an toàn giao thông mới được nghiêm chỉnh và triệt để hơn.

Bài, ảnh: Kiến Giang