SAU VỤ THAM NHŨNG TRONG ĐƯỜNG DÂY CHẠY QUOTA DỆT MAY, BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI, TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN: CƠ CHẾ PHÂN BỔ QUOTA CÒN NHIỀU KẼ HỞ
Vì sao lại để xảy ra tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực quota (hạn ngạch xuất khẩu) hàng dệt may? Trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Thương mại thế nào? Đằng sau vụ bắt một quan chức và cộng sự ở Vụ xuất nhập khẩu, còn có quan chức, nào ở Bộ dính líu đến đường dây tham nhũng trên? Và qua việc phát hiện đường dây chạy quota lần này sẽ ảnh hưởng gì đến công tác xuất khẩu của Việt Nam? Những nội dung trên đã được phóng viên báo BR-VT đặt ra với Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trong cuộc tiếp xúc sáng qua (17-9).
* Thưa Bộ trưởng, việc Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố và bắt giữ khẩn cấp ông Lê Văn Thắng và cộng sự đã lộ ra đường dây chạy quota ở Bộ Thương mại từ rất lâu và đường dây này liệu có còn dính líu đến những quan chức cao cấp nào của Bộ? Phải chăng vì có đường dây chạy quota này mà những năm qua, công tác phân bổ hạn ngạch đã xảy ra sự thiếu công bằng?
- Trước hết cũng phải nói thật rằng, từ trước tới nay tôi chưa hề nhận được bất kỳ đơn tố cáo nào của doanh nghiệp liên quan đến tiêu cực trong việc xét duyệt và phân bổ quota. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi loại trừ tiêu cực trong việc phân bổ quota. Thực tế, tôi đã không thực sự yên tâm trong cách phân bổ và quản lý quota mặt hàng dệt may thời gian qua. Vì phân bổ như hiện nay (phân theo thành tích xuất khẩu) rất dễ nảy sinh tiêu cực và tham nhũng trong bộ máy. Nhưng, khi đề xuất phân bổ hạn ngạch theo “chuỗi” (tức là sự liên kết giữa các doanh nghiệp), thì hầu như 100% doanh nghiệp không đồng ý với đề xuất này. Tôi cũng phải nói thật, việc “cho” và “nhận” hối lộ giữa các bên (quan chức và doanh nghiệp -PV) thì chỉ có cơ quan điều tra mới có thể phát hiện và làm được. Còn cá nhân lãnh đạo cũng như bộ máy lãnh đạo cũng rất khó trong việc phát hiện có hay không nhận hối lộ của cán bộ cấp dưới. Do đó, trong lúc chưa có kết luận của cơ quan điều tra, tôi không thể nói có còn ai dính líu đến tham nhũng, hối lộ như ý câu hỏi của báo chí đặt ra.
* Vậy trách nhiệm của lãnh đạo Bộ trong vụ này như thế nào? Phải chăng Bộ Thương mại đã buông lỏng công tác quản lý nên đã để xảy ra tình trạng trên, thưa Bộ trưởng?
- Việc để xảy ra tiêu cực ở bất kỳ cơ quan nào, tất nhiên lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Còn trách nhiệm đến đâu lại là chuyện khác và phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Cá nhân tôi, rất hoan nghênh cơ quan điều tra đã phát hiện tiêu cực liên quan đến công tác phân bổ quota ở Bộ Thương mại. Bởi nếu không phát hiện thì hối lộ sẽ tiếp tục tiếp diễn.
Liên quan đến việc có hay không sự buông lỏng trong công tác quản lý của Bộ Thương mại? Tôi khẳng định Bộ không hề buông lỏng công tác quản lý mà tại vì cơ chế phân bổ quota còn nhiều kẽ hở. Chẳng hạn nếu người chịu trách nhiệm công tác phân giao hạn ngạch làm không sai nguyên tắc, nhưng lại lợi dụng việc này để “đòi” tiền doanh nghiệp. Thì việc đó, hành vi đó lãnh đạo Bộ phải giải quyết và không thể đổ lỗi cho cơ chế. Như tôi đã nói ở trên, do biết trước công tác phân giao hạn ngạch (theo thành tích) như hiện nay sẽ phát sinh tiêu cực, nên tôi đã đề nghị phân giao theo cách mới “chuỗi” .
* Được biết khi khám nhà ông Thắng, cơ quan điều tra đã phát hiện ra nhiều văn bản cấp quota đã được ký khống của lãnh đạo Bộ Thương mại. Vậy việc này có liên quan gì đến ông Mai Văn Dâu, Thứ trưởng phụ trách vấn đề quota dệt may hay một quan chức nào đó?
- Như tôi đã trả lời một tờ báo phía Nam hôm qua, khi khám nhà anh Thắng, lãnh đạo Bộ Thương mại không được triệu tập (điều này là đúng với quy định); do đó, lãnh đạo Bộ Thương mại không biết trong nhà anh Thắng có những gì và cơ quan điều tra thu được những gì? Riêng cá nhân tôi khẳng định, ở Bộ Thương mại không có ai ký khống, đặc biệt trong lĩnh vực quota, vì điều ấy sẽ sinh ra những sơ hở “chết người”. Bộ trưởng cũng không dám ký và không có quyền ký như thế. Còn nếu có chuyện đó xảy ra, ai làm thì người ấy phải chịu trách nhiệm.
* Thưa Bộ trưởng, vụ việc trên có ảnh hưởng gì đến công tác xuất khẩu dệt may năm 2005 và có ảnh hưởng gì đến các đối tác lớn của Việt Nam như EU, Mỹ trong lĩnh vực dệt may?
- Tất nhiên là sẽ có ảnh hưởng, song quan điểm của Bộ Thương mại sẽ cố gắng hết mình để việc này không ảnh hưởng nhiều đến công tác xuất khẩu của chúng ta (tất nhiên có thể chậm 1- 2 ngày). Còn phía đối tác, có thể cũng sẽ bị mất uy tín với phía bạn hàng; nhưng tôi nghĩ cũng không đến nỗi lớn lắm. Vì lâu nay cũng như hiện tại, trong công tác xuất khẩu chúng ta luôn làm đúng những quy định mà phía đối tác đề ra...
* Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Lê Đăng Hà (Thực hiện)