Vẻ đẹp an nhiên giữa núi rừng
Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên tọa lạc dưới chân núi Kỳ Vân (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ). Thiền viện mang dáng dấp kiến trúc của Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên núi rừng và biển xanh tuyệt đẹp.
Khách hành hương đến Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên. |
Từ Bà Rịa, theo con đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu, chạy qua Đèo Nước ngọt khoảng 3km, du khách nhìn qua bên trái sẽ thấy con đường bê tông dẫn vào Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên. Những ngày đầu Xuân, khách thập phương đến chùa lễ Phật và vãn cảnh khá đông đúc. Bà Nguyễn Thị Hải, ở thị trấn Đất Đỏ chia sẻ: “Nhân dịp đầu năm mới, tôi cùng gia đình đến đây lễ Phật, cầu bình an, sức khỏe cho cả nhà. Sau đó, cả nhà cùng vãn cảnh, tận hưởng không khí trong lành của đất trời trong những ngày đầu năm mới”.
Ban đầu, thiền viện là một am nhỏ, được xây dựng bằng gỗ. Năm 1987, Đại đức Thích Thông Luận đến khai sơn, xây dựng thiền viện và tu hành tại đây. Tháng 6/2008, ngôi chùa được sửa sang, chánh điện được xây mới ở trung tâm khuôn viên chùa. Hai bên chánh điện là lầu trống (bên trái) và lầu chuông (bên phải). Bên trong lầu chuông treo chiếc chuông đồng nặng 1 tấn, cao 7m. Thân chuông khắc các mốc thời gian khai sơn, sửa chữa ngôi chùa và những bài thơ thiền nổi tiếng như “Mộng” của thiền sư Thích Thanh Từ, “Cư trần Lạc Đạo” của sư tổ Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông… Mỗi khi thỉnh, tiếng chuông ngân nga, vang động cả núi rừng.
Trước chánh điện là 2 bức tượng ngọn đèn dầu cao 5m và 2 tượng sư tử được sơn màu đồng uy nghiêm như đang đứng canh cửa chùa. Chánh điện là nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni tọa sen. Hai bên thờ 2 vị bồ tát: Đại trí Văn Thù Sư Lợi và Đại hạnh Phổ Hiền, tượng trưng cho trí tuệ và từ bi. Sau lưng chánh điện là tượng Bồ Đề Đạt Ma, người có công truyền bá dòng thiền đến các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Gần đó là tượng Phật Quan âm Bồ Tát với bình nước Cam Lộ trên tay đang đổ xuống nhân gian phổ độ chúng sanh.
Từ đây nhìn ra xa, du khách thu vào tầm mắt khung cảnh hùng vĩ của núi rừng, với những tảng đá lớn được thiên nhiên gọt đẽo tạo nên hình thù kỳ dị, lạ mắt như tảng đá hình đầu rắn, cá heo, voi, rùa... Giữa một khối đá lớn khắc chữ Hán bằng mực tàu có nghĩa là Phật, tạo nên nét đặc trưng, mang dấu ấn riêng của ngôi chùa. Tại “cốc” đầu rắn (khu vực có tảng đá mang hình đầu rắn), cây bồ đề cổ thụ, rễ bao bọc trùm cả khối đá, càng khiến khung cảnh thêm cổ kính.
Phía xa gian chánh điện là am nhỏ bằng gỗ - nơi tu hành của các nhà sư. Thiền viện hiện có 4 thầy đang tu hành ở đây. Trong đó, Đại đức Thích Thông Luận là người sáng lập và trụ trì thiền viện. Hằng năm, thiền viện thường tổ chức 2 ngày lễ cúng lớn vào dịp Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Giêng. Anh Đặng Minh Hải, phụ trông coi ngôi chùa cho hay, lễ cúng ở đây đơn giản, không cầu kỳ. Dù vậy, vào những ngày này, phật tử, du khách đến dự lễ, vãn cảnh chùa rất đông, có thời điểm lên tới hơn ngàn người”.
Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên còn được nhiều du khách và giới hướng dẫn viên gọi là chùa khỉ, bởi đây là nơi lui tới của đàn khỉ hoang dã khoảng 170 con. Chúng sống trên núi Kỳ Vân, thường xuống chùa để tìm thức ăn từ khách hành hương. Anh Hải cho biết thêm, đàn khỉ này đã gắn bó với chùa từ rất lâu, nên chúng khá thân thiện, gần gũi với con người.
Bài, ảnh: MINH THIÊN