Kỳ 6: Bonsai "độc", lạ đón Xuân
Từ bùng binh mới Hòa Long rẽ vào tuyến tránh Quốc lộ 56, chạy về hướng TP. Bà Rịa, khoảng gần 2km, nhìn qua bên trái, những chậu bonsai cổ thụ các kiểu được đặt ven đường gây ấn tượng mạnh với khách. Đó là những tác phẩm của vựa bonsai Phúc Lộc chuẩn bị phục vụ thị trường dịp Tết Tân Sửu.
Ông Trần Phúc Lộc (phải) giới thiệu với ông Trần Quốc Nhị về cây me keo đang được chào giá 250 triệu đồng. |
Dù mới chuyển cơ sở từ Quốc lộ 51 (phường Phước Trung, TP. Bà Rịa) về tuyến tránh Quốc lộ 56 (chân cầu sông Dinh, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) nhưng những ngày này, vựa bonsai Phúc Lộc đã lác đác khách ghé tham quan, tìm hiểu sản phẩm và mua về chơi Tết. Vựa có các loại cây chủ đạo: sanh, phi lao, sơn liễu, cẩm thị, mai chiếu thủy, me keo, duối, tùng…
Sản phẩm của vựa đa dạng về kích cỡ và chủng loại, từ bonsai mini đến bonsai cổ thụ, được cắt tỉa và uốn nắn thành nhiều dáng, thế độc đáo. Để những chậu bonsai thêm sinh động, chủ vựa còn tô điểm tiểu cảnh, bức tượng nhỏ, hồ nước, hòn non bộ trong lòng chậu hoặc dưới gốc cây. Ngoài ra, nhiều cây bonsai còn được chủ vườn tạo lũa (tạo những vết thương bằng cách cạo bỏ phần vỏ) khiến người xem có cảm giác cây đã trải qua những khắc nghiệt của thiên nhiên và thời gian.
“Ý nghĩa khi tạo lũa trên thân bonsai là dù cuộc sống có gặp khó khăn, có những lúc tưởng chừng như ngã quỵ nhưng khát vọng sống vẫn bất khuất và cuối cùng đạt được thành công”, ông Trần Phúc Lộc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP. Bà Rịa, chủ vựa bonsai Phúc Lộc giải thích.
Theo ông Lộc, bonsai được giới đam mê chơi quanh năm. Tuy nhiên, vào dịp Tết, nhiều người có thói quen mua nhiều hơn ngày thường với tâm lý chưng trong vườn nhà để cầu may mắn. Bên cạnh vẻ đẹp bề ngoài, bonsai còn mang ý nghĩa phong thủy. Bonsai chưng ngày Tết cũng phải có đủ hoa, trái vì người Việt Nam quan niệm như vậy mới trọn vẹn, khởi đầu năm mới sung túc, có sự sinh sôi nảy nở và may mắn cả năm. Đón đầu nhu cầu đó, cùng với các sản phẩm bonsai thông thường, cơ sở cũng chuẩn bị các loại bonsai mini có hoa, có trái như: mai vàng, mai chiếu thủy, sung, linh sam, me…
Cây me keo được tạo lũa, gây cảm giác đã trải qua những khắc nghiệt của thiên nhiên và thời gian. |
Vừa ngắm nghía cây me keo có dáng “lão” tuổi đời khoảng 70 năm, ông Trần Quốc Nhị (59 Nguyễn An Ninh, phường Long Hương, TP. Bà Rịa) vừa nhận xét: “Sản phẩm của cơ sở này khá đa dạng, nhiều cây có dáng đẹp, giá trị lớn, chất lượng tốt. Chơi bonsai nhiều năm, tôi cảm nhận được rằng, bonsai không chỉ là cây cảnh bình thường, để chưng, để ngắm mà chúng còn là những tác phẩm nghệ thuật có hồn”.
Ngoài những dáng phổ biến như trực, huyền, thác đổ, vựa còn có những cây bonsai dáng lạ, độc đáo, được uốn, tạo hình dựa vào đặc điểm ngoại hình của cây như: dáng long, quần thụ, nghinh phong, thưởng nguyệt, soi bóng…
Ông Trần Phúc Lộc cho biết, cơ sở hiện có khoảng 4.000 cây bonsai thành phẩm sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua về chơi Tết của mọi đối tượng khách hàng, với giá bán từ 1 triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, vựa cũng có 5.000 cây bonsai đang trong quá trình chăm sóc, tạo dáng.
Sản phẩm đa dạng là vậy nhưng ông Lộc cho rằng năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế và thu nhập của người dân. Vì vậy, dự báo sức tiêu thụ bonsai dịp Tết chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, đã thành thói quen, ông cũng như nhiều hội viên Hội Sinh vật cảnh TP. Bà Rịa vẫn chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng giới thiệu hết những sản phẩm đẹp của mình đến với đông đảo người chơi. Để truyền cảm hứng tình yêu bonsai đến nhiều người, cơ sở này còn cho thuê bonsai chơi Tết và trưng bày tại các hội nghị.
Ông Lộc cho biết thêm, Hội Sinh vật cảnh TP. Bà Rịa dự kiến sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm để kết nối hội viên, tạo sân chơi trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc bonsai cho hội viên và những người yêu thích dòng cây nghệ thuật này. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Hội dự kiến mở các khóa đào tạo miễn phí về kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng bonsai cho người lao động trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên cho lao động nghèo, con em nông dân tại các xã Tân Hưng, Hòa Long, Long Phước (TP. Bà Rịa).
“Sau khi hoàn thành khóa học, học viên sẽ được giới thiệu việc làm tại các cơ sở bonsai, cây cảnh nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về lao động trong lĩnh vực này”, ông Lộc nói.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐỨC