.

Ông đồ cho chữ - Nét đẹp văn hóa ngày Tết

Cập nhật: 18:30, 14/01/2021 (GMT+7)

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

(Vũ Đình Liên)

Khách xin chữ thư pháp tại gian hàng Thư pháp “Trương Gia”  của anh Trương Đỗ Phi Long.
Khách xin chữ thư pháp tại gian hàng Thư pháp “Trương Gia” của anh Trương Đỗ Phi Long.

Hình ảnh “ông đồ” trở nên quen thuộc với người dân phố biển Vũng Tàu tại Hội hoa Xuân mỗi dịp Tết Nguyên đán. Phong tục cho chữ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tạo nên nét đẹp văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người dân BR-VT. 

Anh Trương Đỗ Phi Long (SN 1988) tốt nghiệp ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành điện tử viễn thông. Do yêu thích thư pháp nên trong thời gian đi học, anh đã tự tìm hiểu, học viết thư pháp và tham gia CLB Thư pháp Nét Việt (Nhà Văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh) để tìm hiểu sâu hơn về thư pháp và ý nghĩa câu chữ, thơ văn để làm phong phú vốn câu chữ của mình. Năm 2017, anh Long về Vũng Tàu mở cửa hàng lưu niệm “Trương Gia” tại Đường sách Vũng Tàu. Tại Hội hoa Xuân Vũng Tàu năm đó, anh đã mở gian hàng thư pháp “Ông đồ”. 

Để tập hợp những người yêu thư pháp, tháng 11/2019, anh thành lập CLB Thư pháp Đường sách Vũng Tàu với 10 thành viên, do anh làm Chủ nhiệm. Trong dịp Tết Canh Tý 2020, CLB đã tổ chức mô hình phố “Ông đồ” tại Hội hoa Xuân Vũng Tàu, thu hút nhiều người dân và du khách tham quan, xin chữ. Từ 27 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng, mỗi ngày có khoảng 1.000 khách đến các gian hàng thư pháp để xin chữ. “Dịp Tết Tân Sửu, CLB tiếp tục tổ chức phố “Ông đồ” tại Hội hoa Xuân để phục vụ người dân và du khách”, anh Long cho hay. 

Nghệ nhân thư pháp Văn Đức, cố vấn chuyên môn CLB Thư pháp Đường sách Vũng Tàu cho hay, thời phong kiến, vào dịp Tết cổ truyền dân tộc, bên cạnh lễ vật chuẩn bị đón Tết, mỗi gia đình người Việt thường treo thêm đôi câu đối đỏ. Để có những câu đối hay, ý nghĩa, phù hợp với tâm nguyện, ước mong của chủ nhà, người ta thường tìm đến những người văn hay, chữ tốt trong làng để xin chữ. Từ đó, tục xin chữ - cho chữ dần hình thành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chữ xin về thường được chủ nhà treo ở những nơi trang trọng trong nhà. 

Nội dung chữ thư pháp ngày Tết thường là những lời chúc an lành, những câu đối nghĩa tình. Ngoài xin chữ cho mình, nhiều người còn đi xin chữ để tặng người mình yêu quý, trân trọng. Khách thường xin các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Bình An, Tâm, Hiếu… “Câu đối xin về để treo đầu năm mới không chỉ nhằm trang trí cho ngôi nhà thêm phần sinh khí mới, mà còn thể hiện ước vọng của chủ nhà về một năm mới bình yên, thuận lợi và may mắn”, nghệ nhân Văn Đức chia sẻ. 

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (phường 7, TP.Vũng Tàu) cho biết, đầu năm, sau khi lên chùa lễ Phật, chị thường ghé góc chiếu của “Ông đồ” ở Hội hoa Xuân Vũng Tàu để xin chữ “An” về treo trong nhà với ý nghĩa cầu mong năm mới bình an. “Xin chữ không chỉ là nét đẹp văn hóa ngày xuân mà chữ mình xin về thường gắn liền với những điều hay lẽ phải, những giá trị chân thiện mỹ”, chị Ngọc nói. 

Hình ảnh các “Ông đồ” xúng xính trong bộ áo dài, khăn đóng bày biện chiếu hoa cùng giấy mực, nghiên bút ở những góc phố đã gây ấn tượng và sự thích thú cho người dân địa phương và du khách. Ngày đầu xuân mới, bên những chiếc chiếu hoa ấy, người đến xin chữ cũng đông vui hẳn. Từ trẻ nhỏ đến thanh niên, người già, ai cũng có điều tâm niệm, ước mong muốn gửi gắm qua những con chữ mà mình định xin về treo trong nhà cho năm mới thêm phần ý nghĩa.

Bài, ảnh: QUANG LÊ

.
.
.