Sáng 6/12, tại Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ Ba về công nghiệp 4.0, với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số,” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0. Ảnh: TTXVN |
Tham dự Diễn đàn tại điểm cầu chính có ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ngành Trung ương và nhiều chuyên gia, học giả, doanh nhân trong nước và quốc tế.
Cùng dự Diễn đàn trực tuyến tại gần 100 điểm cầu có Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố; Đại sứ các nước tại Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại các nước; đại diện các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh BR-VT.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh BR-VT. |
Phiên toàn thể của Diễn đàn có chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” tập trung vào các báo cáo chính gồm khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch COVID-19; Công nghiệp 4.0 - xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19; Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số và chia sẻ kinh nghiệm thành công của Bang Utah trong vấn đề phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cũng trong khuôn khổ phiên Diễn đàn, đã diễn ra Tọa đàm với sự tham gia trao đổi, thảo luận của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, DN cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào 2 nhóm nội dung lớn gồm: Đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Đề xuất, kiến nghị mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.
Quang cảnh Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh BR-VT. |
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phát triển. Đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số ở bối cảnh đặc biệt hiện nay cần có tầm nhìn, hành động và cách làm mang tính đặc biệt; tình hình nào thì mục tiêu, quan điểm, giải pháp phải tương ứng.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đi liền với chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Hai chương trình này song song với nhau, hỗ trợ và tác động lẫn nhau, có sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực để thực hiện các chính sách liên quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng nhấn mạnh: “Hồi phục hay phát triển thì nội lực vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài có tính chất quyết định nhưng ngoại lực là quan trọng và đột phá. Nội lực dựa trên trụ cột chính là con người, là thiên nhiên, văn hóa và truyền thống lịch sử; tính tự lực tự tường và sự đoàn kết của cả dân tộc. Nhưng mà không thiếu sự hỗ trợ quốc tế hay nguồn lực bên ngoài, bao gồm công nghệ, tiền vốn, khoa học quản trị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Một trong những trọng tâm của quá trình phục hồi là phát huy tối đa nguồn lực con người. Con người vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực và là mục tiêu của sự phát triển. Phát triển chuyển đổi số, công nghệ số, kỷ nguyên số thì phải có xã hội số, công dân số.
PHÚ XUÂN - NHẬT LINH