Hiểu đúng quy định để lựa chọn tiêu chí có lợi

Chủ Nhật, 05/12/2021, 16:35 [GMT+7]
In bài này
.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) thực thi từ đầu năm 2022 là cơ hội cho các DN xuất khẩu mở rộng thị trường. Để vận dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ và ưu đãi thuế quan, các DN phải hiểu rõ quy định áp dụng cho từng thị trường nước thành viên khi xuất khẩu hàng hóa.

Các tiêu chí về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP được nới lỏng hơn, thủy sản được đánh giá là một trong những mặt hàng được hưởng lợi lớn. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Tứ Hải, TP. Vũng Tàu.
Các tiêu chí về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP được nới lỏng hơn, thủy sản được đánh giá là một trong những mặt hàng được hưởng lợi lớn. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Tứ Hải, TP. Vũng Tàu.

Nhiều lợi thế xuất khẩu

RCEP là hiệp định có nhiều lợi thế cho hoạt động xuất khẩu với độ phủ rộng ở khu vực ASEAN và châu Á - nơi được coi là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Khu vực có quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP khoảng 26,2 ngàn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu. Thông tin trên được ông Trần Ngọc Bình, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP. Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết tại buổi tập huấn về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong Hiệp định RCEP. Buổi tập huấn do Sở Công thương phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Vũng Tàu tổ chức ngày 4/12.

RCEP có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam nhờ quy tắc xuất xứ “dễ thở” hơn so với các FTA khác, điển hình là dệt may, nông, thủy sản. Ông Bình dẫn chứng, trước đây, quần áo Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản phải tuân thủ quy tắc xuất xứ 2 công đoạn theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Theo đó, vải phải có xuất xứ của nước thành viên trong 2 hiệp định trên hoặc của Việt Nam và sản phẩm phải được cắt may tại Việt Nam. Với Hiệp định RCEP, quy tắc xuất xứ hàng hóa chỉ tính 1 công đoạn. Việt Nam có thể nhập vải từ bất cứ nước nào, chỉ cần cắt may tại Việt Nam (chuyển đổi chương sản phẩm) là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

Tương tự, mặt hàng dầu khí - một trong những lĩnh vực thế mạnh của BR-VT cũng sẽ được hưởng lợi từ các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa của RCEP. Bởi theo quy định, khoáng chất, khoáng sản thu được từ vùng lãnh thổ, vùng lãnh hải, thềm lục địa nước nào thì có xuất xứ ở nước đó. Chẳng hạn, dầu khí được thu từ giàn của Nga nhưng trên thềm lục địa của Việt Nam thì xuất xứ hàng hóa của dầu thô và khí đốt thu được này được coi là xuất xứ thuần túy Việt Nam. Với hàng thủy sản, theo quy định của VJFTA, AJCEP khi xuất khẩu vào Nhật Bản đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, nhưng Hiệp định RCEP cho phép nhập khẩu con giống từ bất cứ đâu, hoặc con giống được nuôi tại Việt Nam và xuất khẩu vẫn được hưởng ưu đãi.

Bà Tô Thị Hương Giang, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Thủy sản Cỏ May cho hay, Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ giúp DN thuận lợi trong việc bảo đảm nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi xuất khẩu sang các nước thành viên cũng như các thị trường khác.

“Trước đây, khi DN xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Nhật Bản, nếu là nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài thì phải chứng minh được nguyên liệu đó bảo đảm quy tắc xuất xứ hàng hóa theo VJFTA, AJCEP. Hiện nay, theo quy định RCEP, DN “dễ thở” hơn vì xuất xứ nguyên liệu không phải tuân theo quy định của VJFTA, AJCEP. Đây là lợi thế đối với DN chuyên gia công các mặt hàng thủy sản xuất khẩu như Công ty CP Thủy sản Cỏ May, vì phần lớn thị trường xuất khẩu đều ở châu Á”, bà Tô Thị Hương Giang cho hay.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Mặc dù các quy định về xuất xứ hàng hóa trong RCEP được nới lỏng hơn, nhưng để vận dụng và hưởng ưu đãi mà các hiệp định mang lại, ông Trần Ngọc Bình khuyến cáo, DN phải chủ động tìm hiểu và nắm được hiện nay đã có bao nhiêu FTA mà Việt Nam đã ký kết, các quy định cụ thể trong từng hiệp định. Hiểu đúng quy định, DN mới chọn được các tiêu chí có lợi, dễ đạt được nhất để áp dụng.

Hiệp định RCEP chỉ yêu cầu quy tắc xuất xứ hàng hóa 1 công đoạn là vải có thể nhập khẩu bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào các nước thành viên. Trong ảnh: Gia công hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH LT Garment.
Hiệp định RCEP chỉ yêu cầu quy tắc xuất xứ hàng hóa 1 công đoạn là vải có thể nhập khẩu bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào các nước thành viên. Trong ảnh: Gia công hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH LT Garment.

Chẳng hạn, xuất khẩu hàng dệt may vào Nhật Bản, hiện có 4 hiệp định gồm: VJFTA, AJCEP, CPTPP và RCEP. Để vận dụng và hưởng ưu đãi thuế quan hiệu quả nhất khi xuất khẩu hàng hóa, DN phải biết được trong 4 hiệp định này, hiệp định nào ưu đãi thuế thấp nhất, quy định xuất xứ hàng hóa dễ đạt nhất; thủ tục chứng nhận xuất xứ và những lưu ý khi thực thi về quy tắc xuất xứ trong giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch...

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng bảo hộ đang nổi lên, RCEP có hiệu lực vào đầu năm 2022 là cơ hội để hàng hóa Việt Nam kết nối với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, thông qua việc hài hòa các cam kết, quy định về xuất xứ hàng hóa trong các nước ASEAN+ mà Việt Nam tham gia trước đây. Nhằm giúp DN xuất khẩu hiểu và vận dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ và tận dụng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên RCEP, Sở Công thương sẽ tiếp tục tuyên truyền về hiệp định này và các FTA khác, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, tập huấn để các DN xuất khẩu nắm và tuân thủ các quy định trong RCEP.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.