Thiết thực cho cả thầy và trò
Bắt đầu từ học kỳ II năm học 2012-2013, bộ tài liệu lịch sử, địa lý tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) biên soạn dành cho học sinh tiểu học, được đưa vào giảng dạy, góp phần trang bị kiến thức cho học sinh, hỗ trợ giáo viên thiết kế bài giảng.
|
Học sinh trường Tiểu học Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) tìm hiểu di tích lịch sử Nhà má Tám Nhung tại phường 5 (TP.Vũng Tàu). |
Tài liệu lịch sử địa phương dành cho học sinh lớp 4 và 5 gồm 3 phần, cung cấp những kiến thức cơ bản về quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; các di tích lịch sử, văn hóa của các huyện, thành phố; danh nhân tiêu biểu của tỉnh; ngành nghề truyền thống… Chương trình địa lý địa phương gồm 2 phần: khái quát điều kiện địa lý tự nhiên và xã hội Bà Rịa-Vũng Tàu, tìm hiểu vị trí địa lý các đơn vị hành chính trong tỉnh.
Ông Ngô Minh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, giảng dạy lịch sử, địa lý địa phương là nội dung bắt buộc trong phân phối chương trình học do Bộ GD-ĐT quy định. Tuy nhiên, trước đây do chưa có tài liệu chính thức, thống nhất nên việc dạy-học nội dung này thường tự phát, giáo viên phải “tự biên, tự diễn”. Từ khi có tài liệu lịch sử, địa lý địa phương,việc tổ chức giảng dạy đã bài bản hơn. Theo ý kiến của các giáo viên, tài liệu này giúp họ giảng dạy môn lịch sử, địa lý địa phương thuận lợi. Theo cô Vũ Thị Phương, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (huyện Tân Thành), trước đây không có tài liệu, giáo viên phải tự mò mẫm, biết gì dạy đó, bởi việc tìm tài liệu rất khó khăn. Việc sử dụng tư liệu trên mạng cũng rất dè chừng, bởi không biết có chính xác hay không. “Có bộ tài liệu lịch sử, địa lý địa phương chính thức, chúng tôi vừa có tư liệu tham khảo, vừa được hướng dẫn giảng dạy. Tài liệu này bố cục khá rõ ràng, phân từng bài, từng nội dung cụ thể cho từng khối lớp nên rất thuận lợi khi tổ chức tiết dạy. Nội dung cũng phong phú và thiết thực với học sinh”, cô Phương nhận xét.
Cô Trần Thị Kim Huệ, Phó Hiệu trưởng Tiểu học Long Liên (huyện Long Điền) cho rằng, tài liệu này không chỉ chắt lọc những kiến thức lịch sử, địa lý địa phương phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học mà còn cung cấp khá nhiều tranh ảnh đẹp, phong phú. Nhờ đó, bài giảng của giáo viên sẽ đi vào trọng tâm hơn.
Ông Ngô Minh Hùng cho biết thêm: tài liệu lịch sử, địa lý tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa là sách giáo khoa cho học sinh, vừa là tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên và được sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh. Bám sát những nội dung trong bộ tài liệu này giáo viên có thể tìm tòi những kiến thức lịch sử địa phương khác để làm phong phú bài giảng, chứ không nhất nhất phải phụ thuộc vào tài liệu khi giảng dạy. Tuy nhiên, để có một bài dạy hiệu quả, giáo viên cần tổ chức cho học sinh khai thác các tư liệu trong tài liệu dạy - học lịch sử, địa lý địa phương, qua đó, giúp các em biết được sự kiện, nhân vật lịch sử, vị trí địa lý của từng huyện, thành phố. Từ những hiểu biết trên, giáo viên tổ chức cho học sinh trình bày dưới các hình thức khác nhau (nói, viết...) về một sự kiện, nhân vật lịch sử, kiến thức về địa lý sinh động và chính xác. Đồng thời, các em biết vận dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa. Giáo viên cần tận dụng tối đa các điều kiện cụ thể ở địa phương để tổ chức các giờ học ngoại khóa, cho học sinh đi tham quan các cảnh quan, các di tích lịch sử, văn hóa…
Bài, ảnh: MINH THIÊN