.
PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON:

Trường công khó cáng đáng hết

Cập nhật: 08:07, 20/02/2013 (GMT+7)

Mục tiêu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2013 sẽ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi ở nhiều địa phương vẫn còn khó khăn do trường công xây dựng không đáp ứng được nhu cầu, trong khi các trường tư thục, nhóm trẻ lại chưa được đầu tư lớn, nhiều chỗ không đạt chuẩn giáo dục.

Huyện Xuyên Mộc còn nhiều xã thiếu trường mầm non. Trong ảnh: Giờ học của học sinh trường Mầm non 1-6 (huyện Xuyên Mộc)


TRƯỜNG XÂY MỚI KHÔNG KỊP

Nhiều năm qua, bậc học mầm non chưa được đầu tư đúng mức so với các bậc học khác. Ở nhiều địa phương, trong khi cấp THCS, tiểu học dư phòng học thì bậc mầm non vẫn thiếu phòng học trầm trọng. Nhìn nhận được thực tế đó, hai năm trở lại đây, lãnh đạo các địa phương đã tập trung cho các dự án xây mới trường mầm non. Theo báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), trong năm 2011, toàn tỉnh có 2 trường mầm non khởi công xây mới và 8 trường xây dựng chuyển tiếp từ năm trước, với tổng kinh phí 33 tỷ đồng do ngân sách tỉnh đầu tư; ngoài ra, còn có 3 trường được đầu tư xây mới từ ngân sách các huyện. Trong năm 2012, tỉnh tiếp tục “rót” ngân sách đầu tư 21 trường mầm non, khởi công xây mới 11 trường, chuyển tiếp xây dựng 3 trường.

Thông thường, thời gian xây dựng một trường mầm non phải mất ít nhất từ 1 - 2 năm, chưa kể thời gian chuẩn bị đầu tư. Do vậy, số trường lớp được đưa vào sử dụng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ phổ cập. Đến năm học 2012-2013, toàn tỉnh mới chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 trường mầm non trong số các dự án trường đã được đầu tư, xây mới kể trên. Nhiều địa phương vẫn còn tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp. Cụ thể, huyện Xuyên Mộc có 5 xã không có đủ phòng học để huy động trẻ ra lớp, huyện Tân Thành thiếu 8 trường với 80 phòng học, TP. Vũng Tàu thiếu 9 trường với 109 phòng học…

CẦN HỖ TRỢ CÁC NHÓM LỚP TƯ THỤC

Trước tình trạng xây dựng trường công không kịp đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, các địa phương đề xuất tập trung huy động trẻ 5 tuổi ra lớp tại các nhóm lớp tư thục bằng các giải pháp hỗ trợ đội ngũ giáo viên, kinh phí đào tạo, tăng cường giám sát chất lượng nuôi-dạy trẻ ở các nhóm lớp này.

Cơ sở vật chất trường Mầm non 19-5 (TP.Vũng Tàu) nhỏ hẹp nên không đủ chỗ để tiếp nhận toàn bộ trẻ trên địa bàn. Trong ảnh: Giờ ăn của trẻ.


Theo ông Nông Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền, các nhóm lớp tư thục trên địa bàn huyện Long Điền thu hút số lượng khá lớn trẻ mầm non theo học. Tuy nhiên, một số nhóm lớp tư thục do không có đủ điều kiện để được cấp phép nên trẻ theo học ở đây không được tính trong tỷ lệ trẻ được phổ cập mầm non 5 tuổi, phần nào ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi của huyện. Do vậy, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng giáo viên nuôi-dạy trẻ ở các cơ sở tư thục để họ có đủ điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc trẻ và được hưởng các chế độ hỗ trợ tiền trực trưa như giáo viên công lập, đồng thời, học sinh học tại các nhóm lớp tư thục cũng cần được xem xét để đưa vào tính tỉ lệ phổ cập mầm non.

Còn bà Đỗ Thị Hồng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đất Đỏ cho biết, công tác điều tra, huy động trẻ ra lớp trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do số lượng trẻ ở các nhóm lớp tư thục thường xuyên dao động. Một số nhóm lớp tư thục còn tổ chức dạy chữ cho trẻ 5 tuổi theo nhu cầu của phụ huynh. Do đó, cần tập trung làm tốt việc vừa chấn chỉnh, vừa hỗ trợ các nhóm lớp tư thục, nâng cao chất lượng nuôi-dạy trẻ thì số lượng trẻ được huy động ra lớp ở các nhóm lớp tư thục sẽ góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

Một giải pháp khác được nhiều địa phương ở các huyện đề xuất là tổ chức các điểm trường. Trên thực tế, có những địa bàn trong cùng một xã nhưng giữa thôn này với thôn kia cách nhau hàng chục cây số. Nếu xây dựng một trường mầm non, tập trung trẻ của toàn xã đến học thì sẽ có những trẻ phải đi học rất xa, dễ dẫn đến nguy cơ bỏ học. Ông Huỳnh Tấn Hậu, quyền Trưởng phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc đề xuất: “Các xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đều có địa bàn rộng, dân cư sống rải rác. Do vậy, huyện Xuyên Môc cần ưu tiên phát triển các điểm trường theo hình thức xây dựng một trường mầm non công lập đạt chuẩn ở vị trí thuận lợi của xã hoặc thị trấn và tại những thôn, ấp quá xa trường chính thì xây dựng các cơ sở nhỏ làm điểm trường để trẻ có cơ hội được đến trường gần hơn”.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

Sở GD-ĐT phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát tình trạng huy động học sinh ra lớp ở những địa bàn có tỷ lệ huy động thấp để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp khắc phục phù hợp. Việc hỗ trợ cho các trường tư thục là rất cần thiết, tuy nhiên cần phải xem xét, đánh giá trên các tiêu chí của trường tư thục để có hỗ trợ phù hợp với quy định của nhà nước. Việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi cần được đẩy nhanh tiến độ nhưng không vì chạy theo tiêu chí mà không bảo đảm chất lượng và thiếu đi sự bền vững. (Ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, sau hai năm triển khai đề án Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tỷ lệ trẻ huy động ra lớp và chất lượng chăm sóc trẻ mầm non 5 tuổi đã có chuyển biến tích cực. 100% các trường học thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và trên 90% lớp 5 tuổi thực hiện đánh giá trẻ theo bộ chuẩn. Kết quả, đến nay đã có 25/82 xã, phường, thị trấn được công nhận chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đạt tỷ lệ 30%. 16.358/17.267 trẻ 5 tuổi đã được huy động ra lớp, đạt tỷ lệ 95%, tăng 1.146 so với cùng kỳ.