.
CỘNG TÁC VIÊN DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH:

Nghề “vác tù và hàng tổng”

Cập nhật: 07:00, 21/02/2013 (GMT+7)

Thật bất ngờ vì cái nghề vất vả, chủ yếu dựa vào tâm huyết này đang thu hút tới hơn 1.800 người trên toàn tỉnh tham gia và mang đến nhiều lợi ích không thể đong đếm được cho cộng đồng.

Cộng tác viên DS - KHHGĐ huyện Long Điền tham gia chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, phát tờ rơi tuyên truyền cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.


Ở khu phố 4, phường 5 (TP. Vũng Tàu) khi nhắc đến ông Mai Văn Huyến không ai là không biết, bởi từ nhiều năm nay, ông Huyến đã được người dân gọi với cái tên thân mật “Chú dân số”. 14 năm làm cộng tác viên DS - KHHGĐ, bên cạnh những nhiệm vụ khác như tổ trưởng tổ bảo vệ khu phố 4, phó trưởng khu phố, ông Huyến đã thuộc nằm lòng khu phố mình phụ trách. Dân cư ở phường 5 chủ yếu sống bằng nghề biển nên việc làm biến động theo mùa vụ và dân số cũng biến động thường xuyên. Vì vậy việc tuyên truyền, vận động của một cộng tác viên DS - KHHGĐ không hề dễ, nhất là với nam giới. Vậy nhưng, ông Huyến luôn thích thú với công việc này, bởi nó đem lại cho ông niềm vui và sự hiểu biết trong chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Dù là một trong số ít cộng tác viên DS - KHHGĐ nam giới, nhưng ông Huyến không thấy ngại và cho rằng đây lại là điểm mạnh của mình khi tiếp cận với lao động làm nghề biển cũng là nam giới để tuyên truyền, vận động.

Hay như chị Nguyễn Thị Dung, cộng tác viên DS - KHHGĐ thôn Tân Phú, xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) cũng kiêm nhiệm nhiều việc khác và luôn làm tốt mọi công việc của mình. Tuy chỉ là “vác tù và hàng tổng” với số tiền hỗ trợ hàng tháng không nhiều, có khi chưa đủ tiền xăng xe để chạy tới, chạy lui khi có người tự nguyện tham gia triệt sản, nhưng chị Nguyễn Thị Dung vẫn nhiệt tình. Với 7 năm làm cộng tác viên DS - KHHGĐ, chị Dung được bà con của thôn tín nhiệm bởi sự năng động, gần gũi và có bề dày kiến thức, kinh nghiệm về DS - KHHGĐ. Chị Dung còn kiêm thêm nhiều “nghề” khác như nhân viên y tế thôn, ấp, cán bộ phụ nữ… Những “nghề” này hỗ trợ thêm rất nhiều cho chị Dung trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách DS - KHHGĐ.

Ở xã Bình Giã (huyện Châu Đức), chị Nguyễn Thị Minh Hải, cộng tác viên DS - KHHGĐ khá nổi tiếng qua các buổi diễn kịch, đọc thơ, hò hay hát nhại ở cộng đồng. Chị Minh Hải đã lồng ghép các chủ đề tuyên truyền về DS - KHHGĐ một cách dễ nhớ, dễ thuộc qua các bài ca, lời hát, câu vè… để biểu diễn cho bà con cùng nghe trong các buổi tuyên truyền. Cũng như nhiều cộng tác viên DS - KHHGĐ khác, chị Minh Hải còn kiêm nhiều “nghề” ở cộng đồng thông qua việc tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ như câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội… để gần gũi với cộng đồng dân cư.

Theo thống kê, số cộng tác viên DS - KHHGĐ trên toàn tỉnh hiện nay là hơn 1.800 người. Nhiều người trong số họ đã lên chức ông, bà, cũng có người còn rất trẻ. Tuy tuổi tác, trình độ khác nhau, nhưng điểm chung của các cộng tác viên DS -KHHGĐ là nhiệt tình, tâm huyết. Chính từ sự nhiệt tình, tâm huyết mà đội ngũ này đã âm thầm có những đóng góp tích cực cho thành quả của công tác DS - KHHGĐ của tỉnh. Bằng chứng là không chỉ ở thành thị mà cả ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kiến thức, ý thức về DS - KHHGĐ của người dân đã có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng cao, kể cả ở nam giới. Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên toàn tỉnh còn 8,8%; có 74.440 người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều cộng tác viên DS - KHHGĐ chia sẻ, mới đầu làm nghề thấy thật khó, không biết mình có trụ lại được bao lâu… nhưng càng làm càng thấy yêu thích công việc, rồi gắn bó với nghề. Hơn nữa, tuy chỉ được hỗ trợ từ 150 - 200 ngàn đồng/tháng nhưng nhiều người vẫn coi công việc “vác tù và hàng tổng” này như một niềm vui, niềm đam mê không thể bỏ.

MINH THƯ