.
NHỮNG NHÀ GIÁO TRUYỀN CẢM HỨNG

Kỳ 2: 'Chạm tới trái tim' học trò bằng sự yêu thương và tôn trọng

Cập nhật: 18:41, 17/11/2023 (GMT+7)

BÀI LIÊN QUAN:

Không chỉ gây ấn tượng bởi mái tóc tém cá tính, nước da bánh mật và nụ cười rạng rỡ, cô Nguyễn Thị Quế Anh (Trường MN Hoa Sen, huyện Đất Đỏ) còn “ghi điểm” với những người xung quanh bởi ở cô luôn lan tỏa năng lượng tích cực. Gần 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô luôn đồng hành với những “người bạn bé nhỏ” của mình bằng sự yêu thương, lắng nghe và tôn trọng.

Cô Quế Anh (phải) là báo cáo viên tại các hội nghị chuyên đề, buổi sinh hoạt chuyên môn, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu hàng năm của ngành.
Cô Quế Anh (phải) là báo cáo viên tại các hội nghị chuyên đề, buổi sinh hoạt chuyên môn, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu hàng năm của ngành.

Con đường không trải hoa hồng

Năm 2004, khi mới ra trường, cô Quế Anh về công tác tại Trường Mẫu giáo Phước Hải (huyện Đất Đỏ). Bước những bước đầu chập chững trên con đường nghề nghiệp, cô đã nhận ra công việc của một cô giáo MN không êm đềm như mình từng nghĩ. “Khi còn là SV sư phạm, tôi được thầy cô truyền đạt các kiến thức về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Trong tưởng tượng của tôi, GV MN hằng ngày được tiếp xúc với các em bé dễ thương, được dạy các em múa hát, nghe tiếng nói cười vô tư của các em. Một nghề mà môi trường không áp lực, êm ả và đầy ắp tiếng cười”, cô Quế Anh tâm sự.

Ngôi trường cô Quế Anh công tác khi đó cũng chính là ngôi trường cô từng theo học khi còn nhỏ. “Ngôi trường cũ kỹ mái lợp bằng ngói, chiều tối thường có dơi về ở. Sáng nào đến lớp, GV các lớp cũng phải quét phân dơi và lau nền nhà đến mấy lần. Những buổi tối trời có mưa thì sáng hôm sau đến lớp, mấy chị em nhìn lớp học mà chỉ muốn khóc”, cô Quế Anh nhớ lại. 

Giai đoạn đó, mỗi lớp chỉ có 1 cô với 2-30 trẻ. Thời gian đầu mới nhập học, có bé khóc la đòi mẹ, có bé nôn ói, quấy quả… Lớp học với “đủ loại âm thanh và mùi” khiến cô giáo trẻ không khỏi hoang mang. Không những vậy, cô còn phải xoay xở cuộc sống với mức lương khi đó chỉ khoảng mấy trăm ngàn đồng. Thế nhưng, với tính cách mạnh mẽ, lòng yêu nghề mến trẻ cùng sự đồng hành của những người đồng nghiệp đã giúp cô Quế Anh có thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách và gắn bó với nghề giáo cho đến tận bây giờ.

"Nhiệt huyết, trách nhiệm, năng nổ, tận tâm" là nhận xét mà cô Phạm Thị Ngọc Thuý, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Sen dành cho cô Quế Anh. Theo cô Thuý, cô Quế Anh không chỉ chăm sóc trẻ chu đáo, mà còn đối xử với các em bằng tình yêu thương, sự công bằng. Cô Quế Anh còn luôn hoà đồng, nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp trong công việc và năng nổ, nhiệt tình, sôi nổi trong các hoạt động phong trào. Cô nhận được sự tin tưởng, yêu mến của học trò, đồng nghiệp và Ban Giám hiệu nhà trường.
Cô Quế Anh nhiều năm liền được công nhận là GV giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận, giải pháp đạt giải trong các hội thi... Năm 2023, cô Quế Anh được Bộ GD-ĐT vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu.

“Câu thần chú” nhiệm màu

Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, cô học trò Quế Anh đã nhận ra những HS “cá biệt” trong lớp vẫn có những mặt tốt. Tuy nhiên, những điều tốt đẹp ấy ít khi được nhận ra. Bởi trong mắt cha mẹ, thầy cô, những HS đó đã bị “gắn mác” là đứa trẻ thích quậy phá, là nguyên nhân của mọi lỗi lầm. “Tôi nhận thấy các bạn không nghe lời, lỗi là do ba mẹ, thầy cô đã không lắng nghe, thấu hiểu, cũng như đối xử không công bằng đối với các bạn. Lúc ấy, tôi đã nghĩ rằng, nếu được trở thành một cô giáo, tôi sẽ luôn lắng nghe và đối xử công bằng với học trò của mình”, cô Quế Anh chia sẻ.

Điều tâm niệm ấy đã theo cô Quế Anh trong suốt hành trình nghề giáo. Cô không bao giờ quên được một kỷ niệm khi dạy lớp 5-6 tuổi ở Trường MN Phước Hải. Hôm đó, trong giờ chơi của trẻ, cô phát hiện các bé đã bẻ gãy tất cả các đôi đũa ở góc nấu ăn. Cô Quế Anh nhớ lại: “Khi đó, tôi hết sức tức giận và đã tính trách phạt các bé. Nhưng do tâm niệm từ thời HS nên tôi đã kiềm chế và hỏi các bé: “Vì sao các con lại bẻ gãy hết những chiếc đũa này?”. Khi nhận được câu trả lời của các con, tôi tự trách mình vô cùng và cũng thấy thật may mắn khi mình dằn lòng kịp lúc. Các bé trả lời: “Vì bạn không có đũa nên tụi con chia đũa với bạn”. Từ đó về sau, “Phải luôn lắng nghe trẻ” là “câu thần chú” luôn ở trong đầu của tôi”. Và từ câu chuyện nhỏ ấy, cô còn rút ra cho mình thêm một kinh nghiệm đáng quý là phải chu đáo hơn khi chuẩn bị đồ dùng đồ chơi cho trẻ và phải hướng dẫn các con cách chơi, cũng như cách xử lý nếu thiếu đồ chơi mà trẻ cần.

Chia sẻ về công việc của mình, cô Quế Anh cho biết, công việc của GV MN có rất nhiều áp lực. Áp lực lớn nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ và áp lực từ phụ huynh. Gần 20 năm gắn bó với nghề, cô Quế Anh nhận ra rằng: “Sự tin yêu từ HS, phụ huynh chính là chiếc chìa khoá nhiệm màu để mở ra mọi cánh cửa”. Nó giúp cho Ban giám hiệu có nhìn nhận tích cực hơn về GV, phụ huynh dễ dàng cảm thông hơn với các thầy cô giáo. Để có được điều này, bí quyết của cô Quế Anh là sự tận tình, chú đáo trong việc chăm sóc trẻ. Đồng thời không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp, tìm tòi tài liệu từ internet… để hoàn thành tốt công tác chuyên môn.

“Mọi người thường hay nói rằng GV MN rất thiệt thòi vì các cô vất vả chăm sóc, dạy dỗ nhưng HS còn quá nhỏ nên không thể hiểu và nhớ đến cô. Nhưng tôi thì không cảm thấy vậy! Đến tận bây giờ, các em HS cũ vẫn nhận ra tôi. Các em đến chào hỏi và nhắc lại chuyện ngày xưa rất vui vẻ. Những lúc ấy, tôi cảm thấy mình vô cùng hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đó chính là động lực giúp tôi gắn bó với nghề”.
Cô Nguyễn Thị Quế Anh, Trường MN Hoa Sen (huyện Đất Đỏ)

Những giải pháp từ tình yêu thương

Đến với trẻ bằng sự yêu thương, lắng nghe và tôn trọng của một “người bạn lớn”, không ngừng tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện bản thân, cô Quế Anh đã có nhiều sáng kiến giúp cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ hiệu quả hơn. Trong số đó, có thể kể đến giải pháp hết sức giản dị mà thiết thực, đó là: “Giúp trẻ 3-4 tuổi ăn ngon miệng, hết suất”. 

Để làm được điều tưởng như dễ mà khó này, cô Quế Anh thường xuyên trao đổi với phụ huynh để tập cho trẻ thói quen ăn uống đúng giờ. Bên cạnh đó, cô còn rèn cho trẻ thói quen tự phục vụ trong bữa ăn như trải khăn bàn, xếp ghế, dọn dĩa đựng thức ăn thừa… Từ đó, trẻ thích lao động, phấn khởi trong các giờ ăn và ngon miệng hơn. Khi về nhà trẻ cũng biết phụ giúp cha mẹ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Cô chú ý đến cả cách sắp xếp chỗ ngồi, tạo cho trẻ sự thoải mái trong khi ăn. Và theo cô Quế Anh, điều quan trọng nhất là tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái, háo hức bằng cách giới thiệu món ăn theo nhiều hình thức hấp dẫn khác nhau để tạo sự mới mẻ, động viên, khuyến khích trẻ bằng nhiều hình thức, tuyệt đối không la mắng, dọa nạt trẻ.

Bên cạnh đó, cô Quế Anh còn tích cực, sáng tạo trong việc làm đồ dùng dạy học. Giải pháp “Sân khấu múa rối đa năng” của cô từng đạt giải Ba Hội khi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh. Mô hình có thể sử dụng để thực hiện cả 3 loại hình múa rối: múa rối que, múa rối tay, múa rối bóng, được trang bị thêm các ứng dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng. Bằng sự sáng tạo của mình, cô Quế Anh đã khiến cho mỗi tiết học trở nên sinh động và lý thú hơn.

Vững vàng về chuyên môn, cô Quế Anh là thành viên Hội đồng bộ môn cấp tỉnh và cấp huyện. Cô tham gia đánh giá chương trình giáo dục MN lĩnh vực phát triển kỹ năng xã hội-CNTT. Đồng thời là báo cáo viên tại các hội nghị chuyên đề, các buổi sinh hoạt chuyên môn, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu hàng năm của ngành. Đặc biệt, cô Quế Anh còn là “cây vợt” xuất sắc, tích cực tham gia các phong trào và giành được nhiều huy chương môn cầu lông trong các hội thi, giải đấu, đại hội thể thao… “Việc chơi thể thao giúp tôi giải toả áp lực trong công việc, tăng cường sức khoẻ thể chất và tinh thần để hoàn thành tốt các nhiệm vụ”, cô Quế Anh nói.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 
.
.
.