Hành trang cho trẻ bắt nhịp chương trình mới
Thời điểm này là giai đoạn quan trọng của trẻ lớp Lá (5 tuổi) để chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho việc bước vào lớp 1. Đặc biệt năm học tới đây, các bé sẽ được học chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018, có sự liên thông, kế thừa với chương trình giáo dục mầm non (GDMN) hiện hữu.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy-Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện TP. Hồ Chí Minh tham gia Hội thảo tại Trường MN Trúc Xanh. |
Sẵn sàng từ “chơi” sang “học”
Có thể nói, vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của trẻ vì đây là bước trẻ chuyển từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập. Ở trường TH, hoạt động học là bắt buộc, học phải tạo ra sản phẩm; quan hệ giữa GV với trẻ lúc này mang tính chất thầy - trò, khác với mối quan hệ giữa GV MN với trẻ mang tính chất mẹ - con. Vì vậy, cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đi học, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin và có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu liên thông chương trình GDPT 2018.
Để đồng hành cùng với trẻ, góp phần tạo dựng nền tảng cho HS một cách bền vững, nhiều trường MN đã khởi động chuỗi hoạt động cho trẻ bằng nhiều hình thức và chương trình cụ thể để cho trẻ vào lớp 1 với tâm thế hào hứng, tự tin, sẵn sàng đón nhận môi trường mới, kiến thức mới, đáp ứng yêu cầu liên thông chương trình GDPT 2018.
Tại trường MN Trúc Xanh, TP.Vũng Tàu, nhà trường cử đội ngũ GV tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng của ngành nhằm tạo chuyển biến về nhận thức để từ đó cụ thể hóa thành hành động. Tiếp theo, nhà trường chủ động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao nhận thức cho đội ngũ về việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, giúp GV hiểu rõ sự khác nhau giữa 2 cấp học, từ đó duy trì hoặc điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục từ giai đoạn hoạt động chủ đạo “chơi” sang “học” để trẻ không bị áp lực, không bị hụt hẫng.
Để bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp ứng xử, giúp GV hiểu rõ hơn, nắm vững hơn đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, những kiến thức, kỹ năng quan trọng cần chuẩn bị và những khó khăn trẻ thường gặp khi trẻ vào lớp 1, nhà trường mời chuyên gia tâm lý, giáo dục trao đổi với GV dạy lớp 5 tuổi. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức cho GV dự giờ, trao đổi chuyên môn, qua đó 2 bậc học “hiểu” nhau hơn, thống nhất phương pháp, chuẩn bị tốt cho giai đoạn chuyển tiếp.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức hoạt động theo nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ học bằng nhiều cách khác nhau, sử dụng phương pháp như giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, phương pháp giáo dục Steam; cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh. Việc tổ chức hoạt động học, khám phá, trải nghiệm giúp trẻ thích ứng tốt nhất, nhanh nhất với việc học ở lớp một.
Trải nghiệm làm HS lớp 1
Để giúp trẻ tự tin, mong chờ vào lớp 1, các GV mầm non đã tổ chức cho các bé được trải nghiệm, làm quen đồ dùng học tập của lớp 1, tổ chức cho trẻ tham quan trường tiểu học. Mời GV lớp 1 đến trường giao lưu, trò chuyện cùng trẻ 5 tuổi. Hình ảnh cô giáo dịu dàng, thiết tha trong tà áo dài duyên dáng, với những trò chơi vui nhộn, những món quà nho nhỏ, tạo cho trẻ sự háo hức, mong chờ được lên lớp 1.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là nhiệm vụ quan trọng, tạo sự liên kết và thống nhất về nội dung, phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ. Với trẻ MN, để hình thành thói quen, để có kỹ năng tốt phải được luyện tập nhiều lần, mọi lúc, mọi nơi. Mỗi trẻ có mức độ sẵn sàng đi học không giống nhau, vì vậy GV và phụ huynh luôn trao đổi, phối hợp để hỗ trợ trẻ kịp thời. Trong đó có hoạt động làm quen chữ cái, làm quen với toán và mời phụ huynh tham dự. Qua tiết học phụ huynh hiểu thêm ở trường trẻ đã được chuẩn bị những kiến thức kỹ năng gì, phương pháp học như thế nào, từ đó phối hợp chuẩn bị tốt cho trẻ.
Ngoài ra, việc tổ chức hội thảo, chuyên đề với sự tham gia của chuyên gia giáo dục, tâm lý, GV, phụ huynh hiểu thêm về Chương trình GDMN, tiếp cận Chương trình lớp 1. Phụ huynh được giải đáp những băn khoăn, lo lắng trong việc chuẩn bị cho con vào lớp 1, hiểu tác hại của việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Đồng thời, GV lớp 1 tư vấn phụ huynh chuẩn bị đồ dùng cá nhân, sách vở, chuẩn bị tâm lý cho trẻ trong những ngày đầu vào lớp 1.
Trẻ tích cực, mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động, phát triển tốt về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm kỹ năng xã hội và thẩm mỹ. Kết quả này là tiền đề, là bước khởi đầu quá trình tiếp nhận kiến thức, báo hiệu trẻ đã sẵn sàng đón nhận môi trường mới, kiến thức mới, đáp ứng yêu cầu liên thông chương trình GDPT mới (2018).
TRẦN THỊ TƯƠNG GIAO