.

Thời điểm vàng tầm soát ung thư

Cập nhật: 17:10, 08/09/2023 (GMT+7)

Nếu bạn đã trên 50 tuổi hoặc nhỏ hơn, thậm chí là mới 20 nhưng bạn thấy mình có những bất thường trong sinh hoạt hàng ngày như mệt mỏi, chán ăn, ăn khó tiêu, sụt cân kéo dài, mất ngủ, ho dai dẳng, tức ngực. Khó thở, hình dạng nốt ruồi bỗng dưng thay đổi kèm theo ngứa, thường xuyên táo bón, đi tiêu ra máu, đau âm ỉ ở một chỗ nào đó trên cơ thể… thì tốt nhất là bạn nên đi tầm soát ung thư.

Tầm soát ung thư với kỹ thuật hiện đại sẽ giúp phát hiện sớm những bất thường.
Tầm soát ung thư với kỹ thuật hiện đại sẽ giúp phát hiện sớm những bất thường.

Bước đầu tiên quy trình tầm soát ung thư, bạn sẽ được bác sĩ hỏi về những bệnh tật đã hoặc đang mắc phải của bạn và những người trong gia đình, các triệu chứng bất thường của cơ thể cùng các yếu tố có khả năng dẫn đến ung thư như nghiện thuốc lá, bia rượu, làm việc trong môi trường độc hại, chẳng hạn như ngành dệt vải, nghề nghiệp có liên quan đến chì như xử lý, tái chế bình ắc quy, các ngành liên quan trực tiếp đến hóa chất, thuốc trừ sâu… Từ những thông tin do bạn cung cấp, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp tầm soát phù hợp.

Bước thứ hai, sau khi đã thăm khám, bạn sẽ được cho làm một số kiểm tra cơ bản như xét nghiệm máu, xét nghiệm tế bào, xét nghiệm phân, nước tiểu, dịch tiết... Đến bước thứ ba, tùy theo kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn nội soi, siêu âm, chụp X quang, chụp CT cắt lớp, chụp cộng hưởng từ (MRI)… Chẳng hạn, ung thư dạ dày (bao tử), bạn sẽ được kiểm tra xem có bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) hay không, tiếp theo là nội soi dạ dày đồng thời sinh thiết. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ ở vùng có dấu hiệu bất thường trong dạ dày rồi phân tích dưới kính hiển vi nhằm xác định nó lành tính hay ác tính. Nếu là tế bào ác tính, bạn sẽ được cho chụp cắt lớp dạ dày cùng những bộ phận khác trong cơ thể để xem ung thư đã di căn đến những nơi khác hay chưa. Việc chụp cắt lớp và sinh thiết cũng sẽ được tiến hành trong trường hợp bạn bị nghi ngờ là ung thư tiền liệt tuyến (chỉ có ở đàn ông).

Một trường hợp khác cũng rất hay gặp là ung thư đại tràng. Nó đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư ở Việt Nam với những dấu hiệu rất mờ nhạt và tiến triển rất chậm nên thường bị bỏ qua. Hầu hết ung thư đại tràng đều phát triển từ polyp (là sự tăng sinh tế bào bất thường, nhìn bề ngoài giống như vết sưng tròn, nhỏ). Mặc dù phần lớn polyp đều lành tính nhưng nếu tế bào tăng sinh mất kiểm soát, có thể dẫn đến ung thư.

Để tầm soát ung thư đại tràng, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu trong phân, nội soi và sinh thiết mẫu mô, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp nhằm đánh giá hình dạng, kích thước, mức độ xâm lấn của khối u đồng thời phát hiện sự di căn của tế bào ung thư đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Với ung thư phổi hoặc ung thư gan, việc tầm soát cũng được thực hiện bằng cách chụp cắt lớp, xét nghiệm máu, làm sinh thiết nhưng riêng ung thư phổi, việc sinh thiết chỉ thực hiện khi khối u trong phổi đã từ 6 đến 10mm. Còn với ung thư vú hoặc ung thư tử cung, việc tầm soát sẽ được thực hiện bằng phết tế bào cổ tử cung rồi phân tích dưới kính hiển vi để xác định tính chất lành tính, tiền ung thư hoặc ung thư. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bạn xét nghiệm vi rút HPV, soi cổ tử cung hoặc nạo nội mạc tử cung, chụp X quang, siêu âm tuyến vú, làm sinh thiết để xác định tính chất lành tính hay ác tính của các tế bào khối u trong vú.

Trên đây là một vài thí dụ về việc tầm soát để phát hiện sớm một số bệnh ung thư nếu có. Thế nên bạn đừng ngần ngại nếu bác sĩ đề nghị bạn nên “tầm soát ung thư” vì nó sẽ giúp bạn có thể sống vui, sống khỏe lâu dài.

Cuối cùng, nhiều người khi biết mình đã bị ung thư thì không dám sử dụng những thức ăn bổ dưỡng vì họ cho rằng càng ăn nhiều đồ bổ thì càng nuôi lớn tổ chức ung thư. Đây là một quan niệm sai lầm vì chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư, cung cấp đủ các chất cần thiết nhằm nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng là một trong những điều quan trọng nhất.

Và nếu chẳng may đã bị ung thư, hãy tuân thủ những chỉ định điều trị của bác sĩ, giữ vững tâm lý lạc quan bởi lẽ “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật bất di bất dịch của loài người. Nếu bạn suy sụp tinh thần, bạn có thể chết trước khi ung thư làm bạn chết.

Tiến sĩ Y, Sinh học ĐÀO ĐẠI CƯỜNG

(Nguyên giảng viên ĐHYD - TP.HCM)

.
.
.