.

Xoay xở giữ việc làm cho công nhân

Cập nhật: 19:08, 07/09/2023 (GMT+7)

Đứng trước khó khăn về đơn hàng, thay vì cắt giảm lao động, nhiều DN vừa chia đều việc cho người lao động (NLĐ), vừa nỗ lực xoay xở tìm đơn hàng, thậm chí “gồng lỗ” để duy trì sản xuất, giữ việc cho NLĐ.

Nhiều hoạt động hỗ trợ công nhân được triển khai. Trong ảnh: Lao động trao đổi thông tin việc làm với đại diện DN tại phiên giao dịch việc làm tháng 8/2023.
Nhiều hoạt động hỗ trợ công nhân được triển khai. Trong ảnh: Lao động trao đổi thông tin việc làm với đại diện DN tại phiên giao dịch việc làm tháng 8/2023.

Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng

Đại diện Công ty CP May Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) cho biết, công ty chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng may mặc như: quần tây nam, quần tây nữ… xuất đi Châu Á và một số nước. Từ đầu năm 2023, công ty liên tục bị sụt giảm đơn hàng. Đỉnh điểm có lúc đơn hàng giảm hơn 50% dẫn tới việc làm, thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng. Để xoay xở với khó khăn, công ty vừa tăng cường tuyên truyền, động viên NLĐ cùng chia sẻ khó khăn, vừa cố gắng duy trì sản xuất, vừa bố trí cho NLĐ nghỉ luân phiên nhưng bảo đảm lương cơ bản để ổn định lao động.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho biết, do thị trường may mặc xuất khẩu gặp khó khăn nên doanh thu công ty giảm mạnh. Bước sang quý III/2023 tình hình khả quan hơn khi nỗ lực tìm kiếm, kết nối thêm khách hàng của công ty mang lại kết quả tích cực. “Hiện số lượng đơn hàng về đủ và bảo đảm sản xuất, việc làm ổn định cho NLĐ từ nay đến cuối năm. Chỉ còn hơn 4 tháng nữa kết thúc năm 2023, nên công ty đang đẩy mạnh sản xuất để đạt cao nhất mục tiêu đề ra. Để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài, công ty phối hợp với công đoàn đẩy mạnh các chính sách phúc lợi để chăm lo cho NLĐ. Thấu hiểu tình cảnh chung của DN, chúng tôi nhận được sự tin tưởng, chia sẻ từ NLĐ”, ông Quý cho hay.

Là một trong những DN sử dụng đông lao động, Công ty TNHH ETOP-Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ), có 100% vốn Đài Loan cũng bị giảm hơn 1.000 CNLĐ. Từ cuối năm 2022 đến nay, DN bị giảm đến 50% đơn hàng so với năm ngoái. Để ứng phó với tình hình, công ty phải bố trí cho CNLĐ nghỉ luân phiên. Thậm chí tháng 8/2023, do không có nguyên liệu, CNLĐ phải nghỉ phép năm các ngày thứ Bảy. Mặc dù đơn hàng giảm nhưng công ty vẫn chấp nhận cắt lỗ để trả lương cho CNLĐ.

Bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Công đoàn công ty cho hay, hiện công ty có 2.900 CNLĐ. Từ tháng 9 này, nguyên liệu và đơn hàng về liên tục nên sắp tới công ty bố trí cho CNLĐ tăng ca trở lại. Hiện công ty đang cần tuyển khoảng 1.000 CNLĐ, nhất là ưu tiên công nhân biết may. Bà Mai chia sẻ: “Để hỗ trợ CNLĐ, công đoàn đã và đang tổ chức nhiều hoạt động chăm lo nhằm tạo sự gắn kết và cùng vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Vào ngày lễ lớn, toàn bộ CNLĐ đều có thưởng. Đối với CNLĐ khó khăn, công đoàn đều hỗ trợ kịp thời. Riêng trong tháng 6/2023, chúng tôi đã kêu gọi hỗ trợ 2 công nhân mắc bệnh hiểm nghèo, mỗi người hơn 50 triệu đồng… Công ty và công đoàn đang nỗ lực làm hết khả năng để giữ chân và chăm cho tốt nhất cho CNLĐ trong khả năng của mình”.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động-Việc làm (Sở LĐTBXH) cho biết: “Khảo sát tháng 8 vừa qua cho thấy, hiện các DN còn nhiều khó khăn. Chỉ một số ít DN có đơn hàng ngắn hạn, trong đó chủ yếu các DN gia công hàng xuất khẩu. Đối với DN ngành thép, xây dựng… vẫn rất khó khăn. Nhìn chung tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực nhưng không đáng kể. Hiện nay, nhiều DN đang sản xuất cầm chừng để chờ thị trường phục hồi”.

“Thời điểm này, nhiều DN vẫn duy trì được việc làm cho NLĐ là một nỗ lực rất lớn. Dù chịu nhiều áp lực về việc làm, tiền lương cho CNLĐ nhưng nhiều DN vẫn ráng xoay xở bằng nhiều cách để duy trì sản xuất, kinh doanh và giữ chân NLĐ. Đặc biệt, nhiều DN lớn, đông NLĐ phải chịu áp lực không nhỏ về bảo đảm việc làm và tiền lương hàng tháng. Tại nhiều DN, các buổi gặp gỡ thân tình để chia sẻ về tình hình chung… giữa lãnh đạo DN và NLĐ được tổ chức đã mang lại sự thấu hiểu, gắn kết giữa đôi bên”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh chia sẻ.

San sẻ, cùng vượt qua khó khăn

Khó khăn chung của nền kinh tế đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó có những DN “đóng băng” nhưng vẫn “gồng lỗ” để giữ việc làm cho NLĐ. Theo thống kê của cơ quan chức năng, nhiều DN, nhất là DN trong các KCN buộc phải giảm thời gian làm việc, ngừng việc hoặc thỏa thuận với NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và chấm dứt hợp đồng lao động. Song dù thiếu đơn hàng, phải giảm giờ làm của NLĐ nhưng các DN không xảy ra tình trạng ồ ạt cắt giảm lao động. Ngược lại, các DN sắp xếp các phương án sản xuất và chọn giải pháp chia đều việc cho công nhân, sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo thu nhập, chờ cơ hội thị trường phục hồi.

Đồng hành với đoàn viên, NLĐ, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho NLĐ, nhất là lao động bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập. Là một trong những DN may mắn tình hình sản xuất ổn định, Công ty TNHH Nitori Bà Rịa-Vũng Tàu (CKN Chuyên sâu Phú Mỹ 3, TX.Phú Mỹ) vẫn bảo đảm lương, thưởng ổn định cho hơn 4.000 NLĐ. Chủ tịch CĐCS công ty này cho biết, năm nay, công ty vẫn tăng lương theo lộ trình đã định vào tháng 4 hàng năm. Đồng thời, phối hợp với BCH CĐCS tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao như: hội thi cắt tỉa trái cây, hội thao… Đặc biệt, công ty duy trì phần thưởng “tháng lương mùa hè” cho NLĐ. Anh Nguyễn Viết Nam, CNLĐ làm việc tại bộ phận dệt cho biết, anh cũng như hàng ngàn NLĐ rất vui và bất ngờ khi nhận được “tháng lương mùa hè”. Anh Nam bộc bạch: “Thật bất ngờ khi ngày 25/8 vừa qua, tất cả NLĐ chúng tôi được nhận thưởng 1 tháng lương như mọi năm. Trong lúc khắp nơi DN gặp khó khăn, chúng tôi chỉ dám mong có việc làm ổn định là mừng lắm rồi. Không ngờ năm nay công ty vẫn có thưởng. Chúng tôi rất cảm động và biết ơn tình cảm, sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo DN”.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

.
.
.