.

Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng bị hại

Cập nhật: 17:10, 08/09/2023 (GMT+7)

Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi có đứa con gái năm nay 24 tuổi, gần đây cháu có những biểu hiện rất bất thường, chẳng hạn như lúc nào cháu cũng nghĩ có người đang muốn hãm hại cháu. Nhiều đêm đang ngủ cháu vùng dậy, đi hết nhà trên lẫn nhà dưới, kiểm tra các cửa ra vào vì cháu cho rằng có người đột nhập vào nhà. Vậy xin bác sĩ cho biết cháu bị bệnh gì, điều trị như thế nào vì gia đình tôi rất lo lắng.

(Chị Hoàng Hồng, Bình Ba, Châu Đức)

Trả lời: Chào chị, qua những gì chị đã mô tả, rất có thể cháu đã bị một hội chứng mà ngành tâm thần học gọi là “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng bị hại”. Đây là dạng bệnh nặng, phần lớn xuất hiện từ khi còn rất trẻ và có thể kéo dài đến suốt cuộc đời nếu không điều trị sớm, đúng cách.

Biểu hiện của tâm thần phân liệt thể hoang tưởng bị hại là luôn lo âu, sợ hãi vì cho rằng có một hoặc nhiều người đang muốn hãm hại mình, thường xuyên nghe thấy những giọng nói vang lên trong đầu hay trong tai (Y học gọi là ảo thanh). Những giọng nói ấy mang hàm ý đe dọa, buộc tội, chửi bới, chế nhạo… Lâu dài, người bệnh tự thu mình lại, tránh tiếp xúc với người khác, ít nói hoặc nói lảm nhảm một mình, thể hiện sự nghi ngờ với những gì đang diễn ra xung quanh. Nếu ở thể nặng, đôi khi người bệnh nổi điên, la hét, đập phá đồ đạc như đang chống lại một ai đó, mất dần ý thức, thậm chí không làm tốt được các công việc đơn giản hằng ngày như quét nhà, giặt giũ, nấu ăn...

Nguyên nhân dẫn đến tâm thần phân liệt thể bị hại: Một là mất cân bằng các chất hóa học trong não do bẩm sinh, do di chứng của một số bệnh về não. Hai là mất ngủ kéo dài. Nguyên nhân thứ ba là do di truyền. Nguyên nhân thứ tư là do những chấn thương tâm lý thời thơ ấu, chẳng hạn thường xuyên bi đòn roi, bị bỏ rơi, bị đối xử nghiệt ngã… Ngoài ra còn do rượu và ma túy.

Khi đã có những dấu hiệu về hoang tưởng bị hại, người bệnh cần được điều trị bởi những bác sĩ chuyên ngành. Tùy vào các yếu tố gây bệnh mà bác sĩ sẽ phối hợp những cách điều trị khác nhau, chẳng hạn như dùng thuốc chống loạn thần, thuốc chữa trầm cảm…

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ áp dụng tâm lý trị liệu nhằm giúp bệnh nhân giảm bớt những lo lắng, suy nghĩ không có thật. Nếu bệnh ở thể nặng, người bệnh sẽ được cho nhập viện nhằm phục hồi khả năng tiếp xúc với xã hội, cải thiện khả năng làm việc, học tập, loại bỏ hoàn toàn những ảo giác, ảo thanh.

Hoang tưởng bị hại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người bệnh. Chúng có thể gây ra những tình huống khó khăn, phức tạp cho cả người bệnh lẫn thân nhân họ. Vì thế việc điều trị cần được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, không bỏ ngang nửa chừng cho dù lúc ấy người bệnh đã trở lại trạng thái bình thường bởi lẽ tất cả những người bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng bị hại đều không thừa nhận rằng mình đang bị bệnh. Sau khi đã điều trị được một thời gian, có thể họ sẽ từ chối gặp bác sĩ và nổi giận với những ai cho rằng họ bị tâm thần. Vì thế, chỉ khi nào bác sĩ chuyên khoa xác nhận họ đã hoàn toàn bình phục thì việc điều trị mới kết thúc nhưng vẫn phải theo dõi thêm một thời gian…

BS LÊ DUY

(Bệnh viện Tâm Trí, TP. Hồ Chí Minh)

.
.
.