.

Phải làm gì nếu trẻ mắc chứng tự kỷ?

Cập nhật: 15:30, 25/08/2023 (GMT+7)

Những năm gần đây, số trẻ mắc chứng tự kỷ ở nước ta có khuynh hướng tăng dần. Tuy nhiên, không ít cha mẹ vẫn mơ hồ về hội chứng này, dẫn đến trị liệu không đúng cách. Vì vậy, bên cạnh trị liệu của các chuyên gia tâm lý, hiểu đúng về tự kỷ là cách tốt nhất để các bậc cha mẹ chăm sóc và hướng dẫn trẻ trở lại cuộc sống bình thường…

Trẻ tự kỷ thường chơi một mình. Nếu có bạn đến để cùng chơi, trẻ phản ứng bằng cách bỏ đi chỗ khác
Trẻ tự kỷ thường chơi một mình. Nếu có bạn đến để cùng chơi, trẻ phản ứng bằng cách bỏ đi chỗ khác

70% cha mẹ không biết con mình mắc chứng tự kỷ

Theo khảo sát của chúng tôi, có đến 70% bậc cha mẹ ở các tỉnh, thành phía Nam không biết con mình đã mắc phải chứng tự kỷ. Trong quá trình thăm khám, họ đều cho biết con họ ở nhà thường có biểu hiện lầm lì, hỏi không nói hoặc nói nhát gừng. Nếu ở một mình thì lại nói năng lảm nhảm như thể đang trò chuyện với người khác. Đi học, trẻ không chơi với bạn, đến bữa ăn, trẻ ngồi riêng một góc nên họ cho rằng con họ nhút nhát, kém giao tiếp.

Một trong những biểu hiện đặc trưng của tự kỷ là khó khăn trong giao tiếp - nhất là giao tiếp bằng dấu hiệu. Một trẻ bình thường đang chơi một thứ đồ chơi nào đó mà cha mẹ kêu nó ngừng lại thì có thể nó chỉ đưa mắt nhìn. Trong trường hợp này, ai cũng có thể hiểu rằng nó đang muốn hỏi vì sao lại kêu nó ngừng, hoặc một trẻ mẫu giáo khi cô bảo mẫu gọi đi ngủ trưa thì nó lắc đầu, ý nói nó chưa muốn ngủ nhưng trẻ tự kỷ lại không làm được như vậy.

Một dấu hiệu nữa là: Ngược lại với trường hợp trẻ tự kỷ trí tuệ kém phát triển thì cũng có những trẻ tự kỷ bộc lộ những năng khiếu đặc biệt khiến lắm bậc cha mẹ ngộ nhận rằng con mình là “thần đồng”, là “thiên tài”. Có trẻ mới 3 tuổi mà đã phân biệt được những chương trình trên tivi, nhất là các chương trình quảng cáo trong lúc đi nhà trẻ, cô bảo mẫu cho biết cháu rất ít nói, không thích chơi với bè bạn xung quanh.

Thực tế đã chứng minh rằng một số trẻ mắc chứng tự kỷ có khả năng đặc biệt về toán học, âm nhạc, ngoại ngữ… Nó mang lại sự thoả mãn cho trẻ nhưng càng thỏa mãn mà không được điều chỉnh thì chứng tự kỷ của trẻ càng tăng lên vì số trẻ tự kỷ có khả năng đặc biệt rồi trở thành thiên tài rất hiếm. Theo thống kê, tự kỷ có 2 dạng là tự kỷ trí tuệ kém và tự kỷ trí tuệ cao, trong đó tự kỷ trí tuệ kém chiếm đa số còn tự kỷ trí tuệ cao chỉ chiếm khoảng 2 đến 3%.

Mỗi phụ huynh cần trang bị kiến thức nhận biết trẻ tự kỷ

Để phát hiện sớm và điều trị chứng tự kỷ sao cho có kết quả nhất thì điều đầu tiên là các bậc phụ huynh cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tự kỷ nhằm tránh thái độ thờ ơ, lơ là, hoặc hiểu nhầm về nguyên nhân. Bên cạnh đó, phát hiện sớm còn giúp phân biệt trẻ tự kỷ với trẻ bị động kinh, trầm cảm, hội chứng tăng động, giảm chú ý… 

Quan niệm rằng tự kỷ không chữa được là hoàn toàn sai lầm vì không bao giờ có 2 trẻ mắc chứng tự kỷ y hệt như nhau. Vì vậy, ngành tâm lý y học đã có những phương pháp điều trị cho từng đối tượng, từng độ tuổi khác nhau, giúp cải thiện kỹ năng sống.

Cuối cùng, phụ huynh khi nhận thấy con mình có những dấu hiệu bất thường về hành vi, ngôn ngữ thì nên tìm đến các BV, phòng khám chuyên về tâm lý tâm thần để xác định nguyên nhân là do tâm lý hay bệnh lý. Cần lưu ý là có những trẻ 3, 4 tuổi mà chưa biết nói hoặc chỉ nói được một vài từ nhưng về thể trạng, nó vẫn phát triển bình thường, vận động bình thường, nó hiểu được những gì người khác nói thì đừng vội cho rằng nó bị tự kỷ mà có thể nó chỉ bị chứng “chậm nói” mà thôi…

Thạc sĩ, bác sĩ ĐÀO TRẦN THÁI

(Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược, TP.HCM)

.
.
.