.

Phụ nữ mang thai đừng ngại tiêm vắc xin!

Cập nhật: 17:47, 27/08/2021 (GMT+7)

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, phụ nữ mang thai và cho con bú cần mạnh dạn tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và con. Nhất là khi việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai, cho con bú đã được Bộ Y tế hướng dẫn.

Phụ nữ và đang cho con bú cần mạnh dạn tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho mình và con. Trong ảnh: Phụ nữ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bà Rịa.  Ảnh: MẠNH THẮNG
Phụ nữ và đang cho con bú cần mạnh dạn tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho mình và con. Trong ảnh: Phụ nữ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bà Rịa. Ảnh: MẠNH THẮNG

Đầu tháng 8/2021, chị Tăng Khánh Ly, phóng viên Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh, thường trú tại BR-VT mang thai được gần 5 tháng. Công việc của chị Ly thường đi cơ sở, tiếp xúc với nhiều người nên có nhiều mối nguy lây nhiễm. Vì vậy, sau khi tìm hiểu thông tin, chị Ly quyết định tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Để an tâm hơn, chị đã lên mạng internet tìm hiểu kỹ về cơ chế hoạt động của vắc xin phòng COVID-19. Đồng thời, chị Ly đã tìm hiểu thông tin từ các y, bác sĩ và được Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) tư vấn kỹ càng nên rất yên tâm. Ngày 4/8, chị Ly tiêm vắc xin phòng COVID-19 loại Pfizer tại Bệnh viện Bà Rịa. Được BS Bệnh viện Bà Rịa tư vấn, khám sàng lọc trước khi tiêm. Sau khi tiêm, sức khỏe của chị Ly hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện sốt hay mệt mỏi. Ngày 23/8, chị Ly đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2. “Ban đầu, đồng nghiệp, bạn bè phản đối khi biết tôi định tiêm vắc xin phòng COVID-19 vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Nhưng giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi vẫn quyết định lựa chọn sự an toàn cho cả mẹ và con bằng cách tiêm vắc xin”, chị Ly nói.

Tương tự, nhiều phụ nữ mang thai đã mạnh dạn tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và con trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng. Chị Hoàng Thảo Nguyên, khu phố 3, phường Long Tâm, TX.Bà Rịa đang mang thai lần thứ hai được 6 tháng. Không ngần ngại, chị đã tiêm vắc xin Pfizer. “Nay giãn cách xã hội, tôi không đi ra ngoài nhưng thỉnh thoảng ra cổng nhận hàng từ shipper giao. Dù mới tiêm mũi 1 nhưng phần nào tôi vẫn khá yên tâm”, chị Nguyên cho biết.

Còn chị Nguyễn Thị Hoa, tổ 15, khu phố 3, phường 7, TP.Vũng Tàu hiện đang nuôi con nhỏ 5 tháng bằng sữa mẹ. Sau một thời gian phân vân, nhưng đúng lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, trên địa bàn TP.Vũng Tàu ghi nhận nhiều ca F0 trong cộng đồng, chị Hoa sốt sắng và quyết định tiêm vắc xin phòng COVID-19. Cách đây 2 tuần, chị Hoa tiêm vắc xin phòng COVID-19 loại Moderna. “Cơ thể tôi không có phản ứng bất thường nào sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Lượng sữa vẫn ổn định như trước khi tiêm”, chị Hoa cho biết.

Thực tế, nhiều thai phụ đã bị mắc COVID-19, đe dọa sức khỏe của bản thân và thai nhi. Chẳng hạn như vào ngày 13/8, các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đã mổ bắt con cho 2 sản phụ tại Hà Tĩnh mắc COVID-19 bị suy hô hấp. Một sản phụ (28 tuổi, ngụ tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) mang thai 38 tuần, ngôi ngược, suy hô hấp, được chuyển từ Hà Tĩnh ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tối 12/8. Đến sáng 13/8, sản phụ suy hô hấp, được chỉ định phẫu thuật lấy thai. Sản phụ thứ 2 (25 tuổi, ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chuyển đến khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 8/8, mang thai 36 tuần, được chẩn đoán viêm phổi nặng do COVID-19. Sau đó, bệnh nhân suy hô hấp, diễn biến nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy, tim thai có dấu hiệu suy, chỉ định mổ cấp cứu bắt con.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phụ nữ có thai, không có thai và những người bình thường khác có nguy cơ mắc COVID-19 như nhau. Đặc biệt, phụ nữ mang thai lại là đối tượng dễ bị diễn biến nặng khi mắc COVID-19 bởi trong quá trình mang thai, phụ nữ cũng có tình trạng suy giảm miễn dịch. Phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, ECMO… với tỉ lệ cao, thậm chí có thể gây tử vong mẹ, nguy cơ cho thai nhi. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng vắc xin COVID-19 ở phụ nữ mang thai khi lợi ích của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, bổ sung, điều chỉnh một số nhóm đối tượng trong khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Theo quyết định mới, phụ nữ đang cho con bú, mang thai từ 13 tuần trở lên vẫn có thể tiêm vắc xin phòng COVID-19, ngoại trừ vắc xin Sputnik-V. Vì vậy, tùy vào tình hình sức khỏe, kèm theo sự tư vấn của các bác sĩ, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần mạnh dạn tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bảo đảm an toàn cho mình và con.

Việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai cũng được BR-VT quan tâm. Ngày 15/8, Sở Y tế có Công văn số 4142/SYT-NV gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu về việc đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai, người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền nặng, bệnh mạn tính được khuyến cáo nên tiêm tại bệnh viện.

Theo Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế, để bảo đảm an toàn tiêm chủng tối đa cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần, người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền nặng, bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh phổi mạn tính, ung thư, béo phì, bệnh gan, nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch ở người HIV…), những đối tượng này được khuyến cáo nên tiêm vắc xin tại bệnh viện. Sở Y tế dành 1.000 liều vắc xin loại Moderna cho phụ nữ mang thai, người trên 65 tuổi... đăng ký trực tuyến qua cổng đăng ký của Sở tại địa chỉ: https://dangkytiemchung.soyte.brvt.vn và được tiêm tại Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu. Sở Y tế lưu ý, khi đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, thai phụ cần mang theo sổ khám thai, bên cạnh các giấy tờ khác là CCCD, thẻ BHYT. Trước khi tiêm chủng cần ăn uống đầy đủ, không nên sử dụng các loại thức uống có cồn, thức uống có chứa cafein, cà phê. Sau khi tiêm, cần ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng. Khi về nhà, cần chủ động theo dõi sức khỏe trong 3 tuần sau tiêm.

THI PHONG

.
.
.