.

Lao động nông thôn xoay sở mùa dịch

Cập nhật: 17:50, 27/08/2021 (GMT+7)

Dịch diễn biến phức tạp khiến một số DN phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Do vậy nhiều lao động trên địa bàn huyện Châu Đức phải tạm nghỉ việc. Thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, một số người xoay xở tìm việc làm bằng cách nhận hạt điều về nhà bóc vỏ. Công việc này vừa  an toàn phòng dịch, vừa kiếm được tiền trang trải cuộc sống trong mùa dịch. 

Lao động nông thôn tỉ mỉ tách, gọt vỏ lụa nhân hạt điều để kiếm thêm thu nhập những ngày thực hiện giãn cách xã hội.
Lao động nông thôn tỉ mỉ tách, gọt vỏ lụa nhân hạt điều để kiếm thêm thu nhập những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm trưa cho cả gia đình và chăm chút cho 2 đứa con nhỏ xong, chị Thị Kim Thoa (khu phố Vinh Thanh, TT.Ngãi Giao) đổ nhân hạt điều vừa nhận về vào chiếc sàng nhỏ thoăn thoát dùng dao tách vỏ lụa. Chị Thoa cho biết, chị làm công nhân tại Công ty TNHH Cao Phát (xã Bình Giã) nhiều năm qua. Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, chị quay lại công ty làm việc được 3 tuần thì có quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Quy trình sản xuất tại DN này thu hẹp ở một số băng chuyền nên chị được nghỉ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng làm phụ hồ cũng thất nghiệp khi thực hiện giãn cách, cộng thêm phải nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống gia đình chị khá chật vật. Những ngày ở nhà, nhìn vào số tiền tích góp ít ỏi cứ vơi dần, chị rất phiền muộn. Biết được một người cùng xóm nhận nhân hạt điều từ công ty về nhà tách vỏ lụa, thu nhập 11-13 ngàn đồng/kg thành phẩm, chị Thoa nhờ người quen giới thiệu xin nhận hạt điều về làm. Công việc dễ làm nên cứ 2 ngày, chị Thoa lại bàn giao 10kg nhân hạt điều đã làm sạch. Chị nhận được hơn 100 ngàn đồng, có thêm tiền mua thịt, cá, trang trải cuộc sống. “Tôi không thể ngồi chờ hỗ trợ hay chờ quay trở lại công việc như trước đây, mà phải có công việc tạm thời để có thu nhập nuôi các con”, chị Thoa nói.

Đến thôn 4, xã Bình Trung những ngày này, tôi chứng kiến hầu hết nhà nào cũng có vài thành viên ngồi tỉ mỉ tách vỏ lụa điều. Nơi đây có cơ sở gia công tách vỏ lụa hạt điều của chị Hoàng Thị Ân (tổ 28, thôn 4, xã Bình Trung). Số người nhận hạt điều từ cơ sở này mang về nhà tách vỏ khoảng 50 người, đa phần là phụ nữ ở nhà làm công việc nội trợ. Từ đầu tháng 7 đến nay, người đến nhận gia công tách vỏ lụa hạt điều tăng gần 3 lần so với trước. Chị Ân, chủ cơ sở cho biết, được công ty hạt điều Cao Phát (xã Bình Giã) điều phối xe tải chở hàng đến tận cơ sở giao hàng và nhận sản phẩm nên chị mạnh dạn đề xuất tăng số lượng nhân hạt điều gấp đôi để bảo đảm hàng cho bà con trong vùng làm. Thời gian qua, nhiều người đến đây nhận hạt điều về làm đều là công nhân tạm nghỉ việc do bị ảnh hưởng dịch.  Dù biết họ chỉ làm trong thời gian ngắn chờ quay lại với công việc lúc trước nhưng chị Ân vẫn tạo điều kiện tối đa, trả tiền công đầy đủ sau mỗi lần giao-nhận.

Nhân hạt điều sau khi nhận về được chị Hoàng Thị Ân (tổ 28, thôn 4, xã Bình Trung) chia thành từng bao ít nhất 20kg để giao cho người dân mang về nhà làm.
Nhân hạt điều sau khi nhận về được chị Hoàng Thị Ân (tổ 28, thôn 4, xã Bình Trung) chia thành từng bao ít nhất 20kg để giao cho người dân mang về nhà làm.

Chị Trương Thị Như Thúy (thôn 4, xã Bình Trung) cho biết, chị làm công nhân Công ty TNHH GREENTECH HEADGEAR, KCN Châu Đức hơn 1 năm qua với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm phụ hồ tại địa phương. Gia đình có 1 con nhỏ 11 tháng tuổi. Đầu tháng 7 chị được tạm nghỉ và công ty hỗ trợ 70% lương cơ bản (5 triệu đồng/tháng). Tận dụng “kỳ nghỉ dài” ở nhà, chị chăm sóc gia đình, trồng thêm vườn rau sạch. Chị Thúy được một người quen giới thiệu nhận hạt điều tại cơ sở của chị Ân để làm thêm khi nhàn rỗi. Nhận thấy công việc gia công hạt điều không khó, chỉ cần người làm tỉ mỉ, chịu khó, cứ 4 ngày tách vỏ được 20kg nhân hạt điều, chị Thúy có khoảng 200 ngàn đồng. Có thêm tiền chợ nên sau khi hoàn tất việc nhà, chị lại ngồi tách vỏ lụa. Chị Thúy nói: “Những ngày này người dân phải hạn chế ra đường để phòng dịch. Công việc phụ giúp tôi 1 tháng thu nhập cũng được 3-4 triệu đồng, giải quyết khó khăn". 

Bà Phạm Thị Thùy Ân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trung cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tạo thêm việc làm cho phụ nữ trong lúc nhàn rỗi, Hội phụ nữ đã liên kết với Công ty Cao Phát nhận hạt điều về cho các hội viên phụ nữ làm, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Đến nay, công việc gia công hạt điều dường như là công việc chính của hội viên phụ nữ, vừa có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống vừa hạn chế việc ra đường trong những ngày giãn cách xã hội. 

Bài, ảnh: MAI NGỌC

.
.
.