.
NHỮNG LÀNG NGHỀ VANG TIẾNG MỘT THỜI

Nhịp sống trước bình minh ở làng bánh An Ngãi

Cập nhật: 18:56, 29/07/2019 (GMT+7)

Những lò bánh rực lửa lúc “nửa đêm về sáng”, và những đôi tay nhanh nhẹn, khéo léo lên bột, xoa bánh, ra liếp… là nhịp sống và lao động quen thuộc suốt cả một thế kỷ ở làng bánh tráng An Ngãi (huyện Long Điền). Theo những người làm nghề lâu năm, nghề bánh tráng ở An Ngãi xuất hiện khoảng 100 năm trước, cùng với những cư dân Việt đầu tiên khai phá vùng đất Long Điền. Khi xưa, khu vực này chỉ có khoảng 5-6 hộ làm nghề. Qua nhiều thế hệ, đến nay đã có trên 100 hộ sản xuất.

Du khách tham quan làng nghề sản xuất bánh tráng An Ngãi. Ảnh: MỸ LƯƠNG
Du khách tham quan làng nghề sản xuất bánh tráng An Ngãi. Ảnh: MỸ LƯƠNG

Giữa trưa nắng tháng 7, chị Trần Thị Kim Tuyền (ấp An Bình, xã An Ngãi) vội vã xếp những thiên bánh đã đủ nắng ở sân, cho vào từng bịch bóng để bỏ mối. Chị Tuyền kể, chị bắt đầu học làm nghề khi 15 tuổi. Chị là thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp nối nghề làm bánh tráng.

“Muốn làm được bánh dẻo, mềm, ăn vào thấy vị ngọt, bùi và đậm đà thì quan trọng nhất là chọn gạo. Gạo làm bánh phải là gạo tẻ. Sau khi ngâm kỹ, gạo được xay thành bột. Khi pha bột phải căn độ sánh kết vừa phải. Nếu quá lỏng thì bánh bị vỡ, nếu quá đặc thì bánh sẽ quá cứng. Khi tráng bánh, phải nhanh tay dùng gáo dừa xoa để bột dàn đều, mỏng và tròn theo miệng nồi hơi phía dưới. Bánh đủ chín thì người thợ khéo léo dùng đũa mảnh dàn ra liếp phơi”, chị Tuyền chia sẻ.

Nói đoạn, chị Tuyền đưa xấp bánh tròn đều, trắng ngần lên khoe: “Bánh tráng An Ngãi giờ được nhiều dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Mấy năm gần đây, một số công ty du lịch đã tổ chức đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu làng nghề. Có nhiều người sau khi tận mắt xem quy trình làm bánh đã mua ngay tại chỗ, đem về làm quà cho người thân, bạn bè”.

Nhưng để sống được với nghề, ngày lại ngày, người làm bánh ở An Ngãi vẫn phải tuân theo một nhịp lao động đều đặn và khó nhọc. Phần lớn các công đoạn làm bánh đều được thực hiện trước lúc bình minh. Đêm thì ngâm gạo, xay bột. 3 giờ sáng, khi mọi người còn ngủ say, thì các lò làm bánh tráng đã phải đỏ lửa và tráng bánh. Bình minh lên thì các liếp phải phủ kín bánh để kịp phơi cho đủ nắng.

Sản xuất bánh tráng tại xã An Ngãi. Ảnh: MỸ LƯƠNG
Sản xuất bánh tráng tại xã An Ngãi.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, người An Ngãi ngày càng nghĩ ra thêm nhiều loại bánh: bánh tráng trắng, bánh tráng ớt… Nhờ có những hương vị riêng nên bánh An Ngãi luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngày nay, không chỉ có mặt ở các chợ quê, siêu thị trong tỉnh, bánh tráng An Ngãi còn hiện diện tại các tỉnh, thành như Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh...

Nghề bánh tráng ở An Ngãi dù đang phát triển, song tính tự phát, quy mô nhỏ vẫn là chủ đạo. Để khắc phục tình trạng này, năm 2016, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với UBND huyện Long Điền đã triển khai dự án phát triển nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi. Từ dự án này, nhiều hộ làm nghề đã được hỗ trợ xây dựng mặt bằng, sân phơi, mua sắm máy xay bột…

Hiện nay, nhiều người trẻ ở An Ngãi vẫn kế nghiệp làm bánh của cha ông. Nghề làm bánh tráng thu nhập tuy không cao, khoảng 3-4 triệu đồng/tháng nhưng lại bảo đảm sự ổn định. Và dù phải cạnh tranh với các loại bánh tráng công nghiệp, sản xuất bằng máy nhưng với hương vị riêng, phong phú về chủng loại, màu sắc cộng với giá thành ổn định nên bánh tráng An Ngãi vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.

PHAN HÀ

.
.
.