.

"Bức tranh toàn cảnh" về y tế tư nhân - Bài 2: Nhiều sai phạm cần được chấn chỉnh

Cập nhật: 16:10, 02/07/2018 (GMT+7)

Không thể phủ nhận những giá trị mà hệ thống y tế tư nhân mang lại trong lộ trình phát triển của ngành y tế địa phương. Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh của hoạt động khám chữa bệnh tư nhân vẫn còn nhiều “góc tối” cần được chấn chỉnh, như: Việc áp dụng và công khai giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá thuốc, chất lượng của đội ngũ y, bác sĩ và điều kiện cơ sở vật chất….

Đoàn Giám sát HĐND tỉnh kiểm tra chất lượng thuốc bán tại quầy thuốc Sài Gòn (Phòng khám đa khoa Sài Gòn – Bà Rịa-Vũng Tàu ở huyện Xuyên Mộc).
Đoàn Giám sát HĐND tỉnh kiểm tra chất lượng thuốc bán tại quầy thuốc Sài Gòn (Phòng khám Đa khoa Sài Gòn – Bà Rịa-Vũng Tàu ở huyện Xuyên Mộc). 

NHẬP NHÈM VỀ GIÁ DỊCH VỤ

Theo quy định, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định phí dịch vụ, nhưng phải niêm yết công khai. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của Đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh, một số phòng khám (PK) tư chưa thực hiện tốt quy định này.

Chẳng hạn, tại PK Đa khoa Bình An (TP. Bà Rịa), giá dịch vụ được niêm yết theo giá thanh toán của BHYT do Bộ Y tế quy định, nhưng thực tế thu lại cao hơn giá niêm yết đến 20%. Đại diện PK này cho biết, việc thu giá dịch vụ cao hơn giá niêm yết là để chi trả lương cho bác sĩ và mức chênh lệch này được thông báo rõ ràng cho bệnh nhân bên cạnh bảng thông báo giá dịch vụ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bảng thông báo, bệnh nhân rất khó để biết việc thu thêm 20% nhằm vào mục đích gì. Nội dung của thông báo như sau: “Chi phí khám: Theo chế độ BHYT chung cộng chênh lệch dịch vụ 20% giá BHYT, thời gian áp dụng từ 1-1-2017”.

Đoàn Giám sát HĐND tỉnh làm việc với đại diện Phòng khám Đa khoa Bình An (TP. Bà Rịa). Ảnh: BÙI HƯƠNG
Đoàn Giám sát HĐND tỉnh làm việc với đại diện Phòng khám Đa khoa Bình An (TP. Bà Rịa). Ảnh: BÙI HƯƠNG

Theo đại diện Sở Y tế, trong điều khoản ký với BHXH tỉnh, cơ sở y tế tư phải công khai, giải thích chi phí phụ thu cho bệnh nhân để bệnh nhân BHYT quyết định lựa chọn. Nếu căn cứ vào điều khoản này thì nội dung thông báo của PK Đa khoa Bình An chưa bảo đảm yêu cầu để bệnh nhân nhận biết, lựa chọn.

Còn tại PK Đa khoa Vạn Thành Sài Gòn (TX. Phú Mỹ), một số loại thuốc bán lẻ có giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá thị trường. Theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ, chênh lệch giữa giá thuốc bán ra và giá thuốc mua vào của cơ sở bán lẻ thuốc không được vượt quá 15%. Tuy nhiên, khi kiểm tra ngẫu nhiên một loại vitamin được bán tại PK Đa khoa Vạn Thành Sài Gòn, đoàn phát hiện tỷ lệ chênh lệch lên đến 30%, gấp 6 lần so với giá thuốc nhập vào và gấp 2 đến 3 lần so với giá thị trường. Cũng tại PK này, còn xảy ra tình trạng niêm yết không đúng tên bác sĩ khám bệnh. Thậm chí, khi Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với PK này thì vị bác sĩ đang khám bệnh cũng không mặc đúng trang phục và đeo thẻ tên theo quy định.

Bệnh nhân mua thuốc tại quầy thuốc của Phòng khám đa khoa Vạn Thành Sài Gòn (TX. Phú Mỹ).
Bệnh nhân mua thuốc tại quầy thuốc của Phòng khám Đa khoa Vạn Thành Sài Gòn (TX. Phú Mỹ).

Một thực trạng phổ biến khác là nhiều PK tư hiện nay có cơ sở vật chất quá sơ sài, chắp vá. Chẳng hạn, tại PK Đa khoa Nhi Sài Gòn (TP.Bà Rịa), khu vực phòng cấp cứu quá chật hẹp, được tận dụng làm kho chứa máy móc, thiết bị. Phòng cấp cứu cũng không có lối thoát hiểm. Hay như PK Đa khoa Thế giới mới (TP.Vũng Tàu) đang phải thuê mặt bằng nên không có điều kiện để tổ chức các khu vực một cách bài bản.

Bệnh nhân đến khám tại Phòng khám đa khoa Nhi Sài Gòn (TP. Bà Rịa).
Bệnh nhân đến khám tại Phòng khám đa khoa Nhi Sài Gòn (TP. Bà Rịa).

Theo Sở Y tế, thời gian qua, trước sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở y tế tư nhân, Sở đã tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm. Từ năm 2016 đến nay, kết quả kiểm tra cho thấy, một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có sai phạm trong hoạt động. Phổ biến nhất là tình trạng quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, không niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết; vẫn còn tình trạng bán thuốc, truyền dịch cho bệnh nhân tại PK tư nhân. Các PK chuyên khoa, dịch vụ răng giả, dịch vụ tiêm chích thay băng hoạt động không phép vẫn tồn tại.

CẦN SỚM CHẤN CHỈNH

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ năm 2016 đến nay, cơ quan quản lý hành nghề y dược tư nhân đã kiểm tra tổng số 2.338 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính 141 cơ sở với số tiền 569,35 triệu đồng; trong đó 2 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân bị thu hồi giấy phép hoạt động khám chữa bệnh có thời hạn.

Tuy nhiên, những con số nói trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, việc quản lý hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do nhân lực tham gia quản lý hành nghề khám chữa bệnh tư nhân còn mỏng. Đa số, cán bộ làm công tác quản lý cơ sở y tế tư nhân ở các địa phương đều là kiêm nhiệm, thậm chí chưa có trình độ chuyên môn về y, dược nên khó có thể phát hiện, xử lý vi phạm về lĩnh vực khám chữa bệnh của các cơ sở tư nhân. Hơn nữa, một số địa phương do địa bàn rộng, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu nên tần suất kiểm tra, giám sát còn thấp; việc xử phạt vi phạm không kịp thời, chưa triệt để, nên chưa đủ sức răn đe.

Qua khảo sát thực trạng của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân (từ ngày 8-5 đến 1-6), Đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với Sở Y tế cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm ở các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. UBND huyện, thị, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tham gia giám sát hoạt động hành nghề y dược tư nhân thuộc địa bàn quản lý; nhất là các cơ sở hoạt động không có giấy phép tại các xã, phường, cần huy động sự tham gia của tổ, thôn, ấp, khu phố hỗ trợ ngành y tế giám sát, phát hiện vi phạm. Đồng thời, ngành y tế tăng cường công tác hướng dẫn cơ sở làm chứng chỉ hành nghề đầy đủ; thành lập hội đồng thẩm định các cơ sở hành nghề y, dược tại Sở Y tế, lên kế hoạch đi cơ sở kiểm tra đột xuất, hàng kỳ, hàng tháng…

Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh vi phạm ở các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, các sở, ngành cần phối hợp tạo điều kiện thuận lợi, đề xuất những cơ chế chính sách hỗ trợ cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hoạt động tốt hơn. Chẳng hạn, hiện nay tỉnh đã có chính sách ưu đãi xã hội hóa cho các nhà đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục như cho thuê đất, miễn giảm thuế… Các sở, ngành phối hợp là “cầu nối” hỗ trợ các cơ sở tiếp cận những ưu đãi này để họ có thêm tiềm lực phát triển hoạt động, giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, cần có những chính sách linh hoạt, thông thoáng cho cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT ngày càng nhiều dịch vụ hơn.

Ông Huỳnh Văn Hồng,
Phó Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh

Bài, ảnh: MINH THIÊN, BÙI HƯƠNG


"Bức tranh toàn cảnh" về y tế tư nhân - Bài 1: Giảm tải y tế công, thêm lựa chọn cho bệnh nhân

"Bức tranh toàn cảnh" về y tế tư nhân - Bài 2: Nhiều sai phạm cần được chấn chỉnh

 

.
.
.