Chuyện về những người thợ trẻ giỏi
Trong số 65 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được tôn vinh, trao giải “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần IX năm 2018, diễn ra vào giữa tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 8 gương mặt. Đây là những điển hình xuất sắc đại diện cho hơn 4,5 triệu thanh niên công nhân, nghệ nhân trẻ, học sinh các trường dạy nghề trong cả nước đang nỗ lực học tập, lao động phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thợ hàn Phan Anh Ngọc trong giờ sản xuất. |
Năm 2006, người thợ hàn Phan Anh Ngọc, sinh năm 1985 được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Dịch vụ cơ khí Hàng hải (PTSC M&C). 12 năm công tác tại đơn vị, Phan Anh Ngọc được trực tiếp làm việc trên nhiều công trình dầu khí lớn do PTSC M&C đảm nhận. Với niềm đam mê công việc cộng với những kinh nghiệm từ thực tiễn tại mỗi công trình đã giúp cho tay nghề của anh ngày càng vững vàng hơn. Năm 2017, anh được chọn đại diện cho Công ty đi thi Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ V do PVN tổ chức. Năm đó, lực lượng thí sinh thi tay nghề hàn chiếm tỷ lệ đông nhất trong hội thi, nhưng vượt lên tất cả, anh đã đạt danh hiệu “Huy chương vàng”. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho bản thân Phan Anh Ngọc mà còn khẳng định tay nghề bậc cao của công nhân PTSC, khẳng định giá trị cốt lõi của công ty qua tay nghề của người lao động trực tiếp mang sản phẩm tốt nhất đến với đối tác.
Trên mỗi công trình, Phan Anh Ngọc luôn nghĩ ra những sáng kiến khác nhau nhằm rút ngắn quá trình làm việc nhưng vẫn đảm bảo tốt chất lượng công việc. Đã có nhiều sáng kiến của anh được Hội đồng sáng kiến của Công ty chấp thuận, đồng ý thực hiện. Chẳng hạn, tại dự án Biển Đông, trong quá trình sử dụng “tag name” của các thiết bị điện cầm tay khi cầm nắm nhiều dễ bị mờ các thông số, gây khó khăn trong việc truy xuất thông tin về hãng sản xuất, tốc độ vòng quay, điện áp để lựa chọn loại đá cắt, đá mài cho phù hợp... Từ thực tế này, anh Ngọc đã nghiên cứu thành công quy trình lập danh sách các thông số cơ bản của thiết bị ứng với từng mã số quản lý để dễ dàng truy xuất thông tin phục vụ cho việc chọn và lắp đúng chủng loại đá cắt, đá mài, giúp người lao động làm việc an toàn và hiệu quả.
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp lớp kỹ sư ngành Tự động hóa - Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Hồ Tấn Thuận đầu quân tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ với vị trí kỹ sư Xưởng Đo lường - Tự động hóa. Trong quá trình làm việc Thuận luôn tranh thủ học hỏi, trau dồi kiến thức, để vừa có thêm kinh nghiệm làm việc, vừa nghiên cứu mày mò để có những sáng kiến, sáng chế áp dụng vào sản xuất. Dù thời gian gắn bó với Nhà máy đạm chưa dài nhưng đến nay, anh Thuận đã có hơn 20 sáng kiến được công nhận, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho nhà máy.
Trong số những sáng kiến Thuận nghiên cứu và áp dụng vào thực tế có sáng kiến “Hệ thống quản lý công nghệ sản xuất PMIS” thay thế hệ thống cũ đã lỗi thời do các kỹ sư phát triển bằng nguồn lực nội tại của công ty. Hệ thống này cho phép người dùng theo dõi trực tuyến các thông số công nghệ đang hoạt động ở nhà máy; thu thập và lưu trữ các dữ liệu; trích xuất dữ liệu nhanh chóng; tính toán được các công thức từ đơn giản đến phức tạp. Sáng kiến này đã tiết kiệm được hơn 7 tỷ đồng cho nhà máy.
Hồ Tấn Thuận chia sẻ, có những sáng kiến bắt nguồn từ nhu cầu tự động hóa các công việc thực hiện bằng tay như các phần mềm báo cáo và có những sáng kiến bắt nguồn từ nhu cầu cải tiến hay nâng cấp thay thế những hệ thống cũ… Và dù làm việc ở môi trường nào, anh cùng các cộng sự vẫn nỗ lực nghiên cứu các sáng kiến.
Ngoài 2 anh Phan Anh Ngọc, Hồ Tấn Thuận, ngành dầu khí còn có 6 gương mặt trẻ khác được Trung ương Đoàn tuyên dương tại lễ vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2018 là Hoàng Công Quân (1989) - Kỹ sư Tự động hóa, Xí nghiệp Khai thác các công trình Khí, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro; Nguyễn Văn Dũng (1987) - Kỹ sư Công nghệ - Kỹ thuật dầu khí, Nhà máy Đạm Phú Mỹ (PVFCCo); Nguyễn Tuấn Việt (1983) - Kỹ sư van, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC); Nguyễn Anh Khoa (1983) - Kỹ sư Cơ khí (PVCFC); Đinh Hoàng Long (1986) - Kỹ sư Hóa dầu (PVCFC); Trương Trung Dũng (1983) - Kỹ sư Khoan khai thác dầu khí, Công ty CP Dịch vụ Khai thác Dầu khí PTSC.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, những sáng kiến của các kỹ sư, công nhân trẻ trong ngành đã mang lại giá trị cao, góp phần giảm chi phí cho DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời khẳng định tác phong chuyên nghiệp, sự sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ người thợ trẻ trên các công trình dầu khí.
Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” lần thứ IX là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn, được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh, động viên những thanh niên, công nhân có tay nghề cao, thành tích xuất sắc trong lao động, đưa ra những giải pháp sáng tạo được áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Năm 2018, Trung ương Đoàn đã nhận được 215 hồ sơ đề cử các gương thanh niên, công nhân từ 57 Tỉnh, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc; từ đó lựa chọn 65 cá nhân xuất sắc nhất để trao giải. |
Bài, ảnh: PHAN HÀ