.

Thị trường lao động Nhật Bản: Khắt khe nhưng rất nhiều tiềm năng

Cập nhật: 17:10, 19/06/2018 (GMT+7)

Nếu so với các thị trường xuất khẩu lao động khác trong cùng khu vực, thì thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản có nhiều tiềm năng hơn do lợi ích cho người lao động tốt hơn. Tuy nhiên, theo các DN XKLĐ, tại BR-VT việc đưa lao động vào thị trường Nhật không dễ dàng.  

Getraco đào đạo, hướng dẫn thực hành kỹ năng mềm cho các thực tập sinh.
Getraco đào đạo, hướng dẫn thực hành kỹ năng cho các thực tập sinh.

Là một DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động sang làm việc tại Nhật Bản, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại và nhân lực quốc tế (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay nhiều DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động sang Nhật làm việc với mức thu nhập cao. Thế nhưng, qua các buổi tham gia tuyển dụng, tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh BR-VT tổ chức, phần lớn người lao động (NLĐ) không mấy “mặn mà”. Dù ngành nghề mà lao động qua Nhật làm việc rất đa dạng, như: nhân viên bán hàng, phụ bếp, lễ tân, kỹ sư cơ khí, xây dựng, thiết kế, văn phòng… với mức lương cơ bản từ 1.200 USD/tháng trở lên, chưa kể tiền tăng ca và các khoản thu nhập khác. Lao động phổ thông, tốt nghiệp lớp 12 và có trình độ tiếng Nhật sơ cấp, khi sang Nhật có thể làm việc trong các ngành đóng gói thực phẩm, nhân viên bán hàng với mức thu nhập từ 1.200-1.300 USD/tháng; kỹ sư cơ khí, xây dựng mức lương từ 2.500 USD/tháng. Với mức lương như vậy, một người làm việc tại Nhật từ 3-5 năm sẽ tích lũy được khoảng  500 triệu đồng. Cùng với mức thu nhập cao, NLĐ còn được miễn phí chỗ ở. Lao động tham gia  XKLĐ sẽ được công ty đào tạo tiếng Nhật sơ cấp trong 6 tháng, sau đó tổ chức thi tuyển, nếu trúng tuyển trong vòng 3 tháng sẽ hoàn tất các thủ tục để sang Nhật làm việc. Tổng chi phí cho chuyến đi khoảng 6.000 USD.

Ông Trần Ngọc Trinh, Tổng Giám đốc Getraco cho biết: Kết nối với các nghiệp đoàn của Nhật để xúc tiến XKLĐ rất khó vì họ thận trọng. Hầu như những năm đầu tiên mỗi nghiệp đoàn chỉ nhận vài lao động, nếu có uy tín mới tiếp tục tăng lên. Bắt đầu từ đầu năm 2016 nhưng đến cuối năm 2018, Getraco mới đưa được những lao động đầu tiên vào Nhật. Đến nay, với nhiều nỗ lực, Getraco đã đưa được 60 lao động sang Nhật và dự kiến tăng lên 150 người vào năm 2019.

Thị trường XKLĐ sang Nhật tuy khó tuyển dụng nhưng được đánh giá là có nhiều tiềm năng. Bởi lẽ, ngoài  mức thu nhập khá cao so với các nước khác, sau thời gian làm việc tại Nhật, khi về nước NLĐ có nhiều cơ hội kiếm được việc làm thu nhập cao ngay tại địa phương như: làm phiên dịch, trợ lý hoặc quản lý trong nhà máy của Nhật). Do đó, đòi hỏi NLĐ phải kiên trì, khi sang Nhật làm việc cần phải nâng cao kỹ năng, ý thức lao động, tôn trọng kỹ luật, cũng như tôn trọng tuyệt đối pháp luật, phong tục tập quán của nước bạn.

Anh Phan Như Thành (888/19/5, đường 30-4, phường 11, TP.Vũng Tàu) hiện đang làm việc tại Nhật cho biết: “Tôi XKLĐ qua công ty Getraco từ năm 2014, bán hàng cho một siêu thị tại Tokyo với mức lương 1.600 USD/tháng. Điều kiện làm việc ở đây rất tốt, ngoài lương chính tôi còn làm thêm ngoài giờ nên hàng tháng ngọai trừ chi phí ăn ở, đi lại tôi dành dụm được khoảng 1.000 USD/tháng”. Tuy nhiên, theo anh Thành, NLĐ để bám trụ tại thị trường việc làm của Nhật không đơn giản, ngoài các yêu cầu khắt khe tùy theo từng nghiệp đoàn và công việc như: Độ tuổi 18 - 36 tuổi, tốt nghiệp THPT trở lên, người lao động không mắc 1 trong 13 nhóm bệnh bị cấm đi XKLĐ Nhật Bản; phải có kinh nghiệm làm việc trước đó cũng như cần có ý thức chấp hành pháp luật, tư chất đạo đức tốt.

Để giúp NLĐ tiếp cận nhiều hơn với thị trường Nhật Bản, theo bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH, cần có chính sách khuyến khích người lao động học ngoại ngữ, học nghề; tăng cường công tác đào tạo nghề để tạo nguồn lao động có chất lượng, đủ điều kiện dự tuyển. Ngoài ra, các DN tuyển dụng lao động cần nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền lợi cho người tham gia XKLĐ, nhất là khi có những vấn đề phát sinh.

Bài, ảnh: YẾN PHƯƠNG, TRÀ NGÂN

.
.
.