.

Huyện Long Điền: Cần giải pháp xử lý dứt điểm vấn nạn ô nhiễm môi trường ao Hải Hà

Cập nhật: 16:59, 19/06/2018 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, ao Hải Hà (khu phố Hải Hà 1, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đáng chú ý, điểm ô nhiễm này chỉ cách bãi tắm Long Hải chưa đầy 1km nên nếu không có giải pháp căn cơ, quyết liệt, môi trường du lịch địa phương sẽ bị ảnh hưởng. 

Rác thải tràn ngập bãi biển khu vực ao Hải Hà. 
Rác thải tràn ngập bãi biển khu vực ao Hải Hà. 

VỪA DỌN RÁC CŨ, RÁC MỚI LẠI TRÀN LAN

Trước tình trạng ô nhiễm trên, năm nào lãnh đạo huyện Long Điền và thị trấn Long Hải cũng tổ chức nhiều đợt dọn rác, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân sinh sống quanh khu vực, nhưng cứ dọn hết lớp rác cũ lại phát sinh rác mới, nước thải từ các cơ sở chế biến hải sản vẫn xả thẳng ra biển, quanh năm bốc mùi hôi thối.

Có mặt tại ao Hải Hà, chúng tôi ghi nhận, trên chiều dài khoảng 500m tràn đầy rác thải là thùng xốp, giỏ cần xé, chai nhựa, túi nilon, hộp xốp, mành lưới… phủ kín mặt cát. Dọc theo bãi biển, nhiều rãnh nước nhỏ đen kịt, mùi tanh hôi nồng nặc bắt nguồn từ những cơ sở chế biến hải sản phía trong chảy xuống biển. 

Thở dài ngao ngán, ông Nguyễn Văn Út (50 tuổi), một người dân sống tại đây cho biết, mặc dù huyện Long Điền đã nhiều lần tổ chức lực lượng dọn dẹp rác nhưng chỉ sạch được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy. “Nhiều lúc rác chồng chất, ruồi muỗi sinh sôi, các hộ buôn bán tại bến cá phải góp tiền thuê người dọn dẹp bớt nhưng không xuể”, ông Nguyễn Văn Út cho biết thêm. Không chỉ khổ vì rác, người dân còn lo lắng nguy cơ bệnh tật bởi nước thải từ hoạt động sơ chế hải sản thải ra biển. Chỉ tay xuống dòng nước thải từ một cơ sở chế biến cá đang chảy ra biển, ngư dân Trần Văn Đăng (25 tuổi) hành nghề lưới tại khu vực Long Hải cho biết: “Hôm nào lội ra ghe hay từ ghe vào bờ mà dính phải dòng nước thải đen ngòm này thì phải tắm rửa ngay chứ không là bị ngứa liền. Chẳng biết trong nước thải có hóa chất gì”. 

DI DỜI CÁC CƠ SỞ CHẾ BIẾN CÁ

Khu vực ao Hải Hà có 74 cơ sở kinh doanh, trong đó có 52 cơ sở chế biến, đóng gói thủy hải sản. Các cơ sở này hoạt động từ năm 1999 nhưng đều chưa có hệ thống xử lý nước thải mà chủ yếu lắng lọc rồi xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung và chảy... ra biển. Do tác động từ dòng chảy, rác từ biển tấp vào bờ và tích tụ lại khá nhiều. Khoảng thời gian rác tích tụ từ tháng 5 đến hết năm khi gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân trong khu vực rất kém, dù chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền, vận động”, ông Đỗ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Hải cho biết.

Theo UBND huyện Long Điền, các cơ sở chế biến thủy hải sản ở khu vực ao Hải Hà xây dựng trên đất lấn chiếm bãi bồi, chủ yếu tiếp nhận, tập kết hải sản về phân loại, sơ chế, đóng gói rồi đưa đi tiêu thụ. UBND huyện Long Điền đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương về việc di dời, phương án cải tạo, phục hồi môi trường ao Hải Hà. Đầu năm 2017, UBND huyện Long Điền đã tiến hành họp dân để thông báo chủ trương trên. Các hộ dân đã cơ bản đồng ý di dời và yêu cầu được hỗ trợ thỏa đáng. Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết: “Hiện nay, Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Long Hải, trong đó bao gồm cả khu vực ao Hải Hà đang được UBND tỉnh xem xét, lấy ý kiến. Theo ý tưởng của đồ án, khu vực ao Hải Hà sẽ được cải tạo thành cảng du thuyền với hệ thống đường bộ kết nối Dinh Cô, bãi tắm Long Hải”.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Hùng, trong khi chờ đồ án quy hoạch khu vực Long Hải, trước mắt, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của khu vực này, UBND huyện Long Điền đã chỉ đạo UBND thị trấn Long Hải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký đổ rác, để rác đúng nơi quy định; xử lý các khu vực có rác sinh hoạt tự phát, tồn đọng và xử lý nghiêm các trường hợp vứt, bỏ rác không đúng nơi quy định; yêu cầu các cơ sở chế biến hải sản trong khu vực khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sơ chế. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về môi trường sẽ xử lý nghiêm, áp dụng các biện pháp cưỡng chế (đình chỉ hoạt động, ngưng cấp điện, cấp nước, niêm phong nhà xưởng…) đối với các cơ sở vi phạm.

Khu vực ao Hải Hà là một “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tỉnh xếp vào nhóm ô nhiễm chất thải cấp bách cần được ưu tiên khắc phục trong giai đoạn 2018-2020. Các cơ sở chế biến hải sản tại khu vực này đều là cơ sở nhỏ lẻ, không đủ nguồn lực tài chính, diện tích đất, trình độ nhân lực để đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải. Vì vậy, cần có một DN có chức năng thu gom và xử lý nước thải xử lý tình trạng này và buộc các cơ sở chế biến phải ký hợp đồng với đơn vị thu gom. Cùng đó, có chế tài xử phạt nặng đối với các cơ sở vi phạm khi xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. Riêng vấn đề xả rác thải sinh hoạt ra môi trường, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền để người dân, DN ý thức thực hiện đổ rác đúng nơi quy định, đăng ký đổ rác với các đơn vị có chức năng vận chuyển rác đã được UBND huyện Long Điền chấp thuận.

(Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT)

Bài, ảnh: SA HUỲNH - ĐAN CHÂU

.
.
.