.

An toàn thực phẩm - "bắt đúng bệnh" để có giải pháp hiệu quả - Bài 1: Phổ biến lỗi vi phạm về nguồn gốc thực phẩm

Cập nhật: 18:44, 18/06/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, các cấp, ngành có nhiều cố gắng hạn chế được tình trạng cắt lát, chồng chéo trong quản lý ATTP. Tuy nhiên, tình hình mất ATTP vẫn chưa được khắc phục, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Do đó, cần có những giải pháp thực sự đột phá.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do Sở Công thương chủ trì kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP tại cơ sở heo quay Hoài Anh.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do Sở Công thương chủ trì kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP tại cơ sở heo quay Hoài Anh.

Không thể phủ nhận, vấn nạn mất ATTP đang dần được cải thiện nhờ ý thức về thực phẩm sạch được nâng cao cả ở khâu sản xuất lẫn tiêu dùng. Tuy nhiên, ở những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn rất phổ biến.

NHẬN THỨC “LÀM NHỎ LẺ”

Vào cuối tháng 5-2018, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do Sở Y tế chủ trì đã kiểm tra tại cơ sở giò chả Anh Thư, ở tổ 6, ấp Mỹ Tân, phường Mỹ Xuân (TX.Phú Mỹ). Đoàn kiểm tra phát hiện, cơ sở này không công bố chất lượng sản phẩm; nguyên liệu sản xuất không rõ nguồn gốc. Ông Bùi Văn Sảng, chủ cơ sở lý giải: “Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, mỗi ngày lấy khoảng 10kg thịt heo nên nghĩ rằng không cần phải có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu”.

Tương tự, hộ kinh doanh chả cá Hai Việt (1Ô3/5, khu phố Hải An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) chưa có khu chế biến chả cá riêng mà thay vào đó là cơ sở tận dụng lối đi của người dân để dựng một cái sạp tạm bợ làm nơi nạo cá sống và chiên chả cá. Qua kiểm tra, cơ sở này cũng chưa có hợp đồng mua bán và hóa đơn nguyên liệu hàng hóa, phụ gia thực phẩm, chưa đăng ký để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP. Bà Trần Thị Ngọc Châu, chủ cơ sở phân bua: “Gia đình tôi chỉ tận dụng khu vực này để chế biến có khoảng 30kg chả cá/ngày bán xung quanh đây, tăng thu nhập thêm cho gia đình”. 

Ngoài các cơ sở nói trên, trong tháng 5 vừa qua, 3 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh do Ban chỉ đạo ATTP tỉnh thành lập đã kiểm tra trực tiếp 16 cơ sở thực phẩm tại các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Phần lớn các cơ sở vi phạm chủ yếu là các lỗi về kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, điều kiện sản xuất chưa bảo đảm tiêu chuẩn ATTP. 

Bên cạnh các đoàn kiểm tra cấp tỉnh, tại các địa phương cũng thành lập các đoàn liên ngành tăng cường thanh kiểm tra ATTP.  Chẳng hạn, tại TP.Vũng Tàu, riêng từ tháng 5 đến tháng 9, đoàn liên ngành ATTP đã tổ chức nhiều đợt cao điểm kiểm tra ATTP tập trung tại các chợ, các cơ sở buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ dọc các tuyến đường, đây là những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, bởi đa phần các hộ kinh doanh tự phát, không đăng ký kinh doanh, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng… 

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do Sở Công thương chủ trì kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP tại cơ sở giò chả Thái Bình.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do Sở Công thương chủ trì kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP tại cơ sở giò chả Thái Bình.

XỬ PHẠT NGHIÊM

Qua các đợt kiểm tra, hầu hết các vi phạm về ATTP đều được xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật. Các sản phẩm có mẫu kiểm nghiệm bị nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại đều được các đoàn kiểm tra kiên quyết xử lý tiêu hủy và giao về cho cơ quan chức năng tại địa phương xử phạt. 

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở Công thương, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh cho biết, đối với những lỗi vi phạm nhẹ, đoàn kiểm tra liên ngành nhắc nhở và yêu cầu địa phương giám sát việc khắc phục các hạn chế này. Với những lỗi vi phạm như trường hợp cơ sở heo quay Hoài Anh (TP.Vũng Tàu) buôn bán vịt quay không có dấu kiểm soát giết mổ, heo sữa quay được mua từ Quảng Ngãi nhưng không có giấy kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh, hợp đồng mua nguyên liệu chế biến (vịt, gà…) hết hạn, đoàn lập biên bản và chuyển cho Phòng Y tế TP. Vũng Tàu xử phạt vi phạm hành chính.

Về phía các địa phương, bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết: “Đơn vị nào cố tình tái phạm thành phố kiên quyết dẹp bỏ, không cho tiếp tục hoạt động. Chẳng hạn, trong tháng hành động vì ATTP vừa qua, 5 đoàn kiểm tra của thành phố đã kiểm tra 562 cơ sở, 5 chợ truyền thống, 8 chợ tự phát. Qua đó, đoàn phát hiện 21 cơ sở vi phạm quy định về ATTP, 15 mẫu dương tính với hàn the (tàu hủ ky, mì sợi phở lớn, mì sợi phở nhỏ, hoành thánh, mì Quảng, bánh canh, tàu hũ chiên). Đoàn đã xử phạt hành chính 15 cơ sở với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ các sản phẩm dương tính với hàn the này. Ngoài ra một số mẫu xét nghiệm định lượng các chất cấm vượt ngưỡng cho phép đều đã bị xử phạt theo quy định”.

Tăng cường kiểm tra ATTP là giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh các hành vi vi phạm và nâng cao nhận thức về ATTP cả trong sản xuất lẫn tiêu dùng.  Ảnh: Việt Hà
Tăng cường kiểm tra ATTP là giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh các hành vi vi phạm và nâng cao nhận thức về ATTP cả trong sản xuất lẫn tiêu dùng. Ảnh: VIỆT HÀ

Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết: “Quan điểm của địa phương là kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hình thức xử phạt vừa phù hợp với quy định của pháp luật và mang tính răn đe để cơ sở không tái phạm. Đơn cử, trong đợt kiểm tra cao điểm ATTP vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã xử phạt vi phạm hành chính lên tới 30 triệu đồng với một cơ sở dịch vụ du lịch có quy mô lớn trên địa bàn huyện bởi cơ sở này đã vi phạm lỗi bán lẻ rượu không có giấy phép. Sau đó, cơ sở này đã nhanh chóng khắc phục lại ngay lỗi vi phạm của mình”.

Bên cạnh đó, thông qua việc duy trì xử lý thông tin phản ánh của người dân về ATTP qua đường dây nóng 088.8800274, trong thời gian qua đã giúp cơ quan chức năng kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm ATTP. Bác sĩ Tiêu Văn Linh, Chi cục Trưởng Chi cục ATTP cho biết, hầu hết các trường hợp phản ánh đều được xác minh và xử lý trong thời gian sớm nhất; chẳng hạn gần đây là phản ánh quán Mì Nghiệp Ký, đường Ba Cu TP.Vũng Tàu sử dụng tay không để lấy thức ăn, không bảo đảm vệ sinh. Cơ sở này sau khi xác minh đã vi phạm vào lỗi không trang bị kẹp gắp thức ăn và không trang bị bảo hộ lao động. Chi cục đã lập biên bản vi phạm và chuyển về cho Phòng Y tế TP.Vũng Tàu tiếp tục xử lý.

Trong năm 2017, toàn tỉnh có 119 đoàn kiểm tra liên ngành từ tuyến tỉnh đến huyện, xã, đã tổ chức kiểm tra gần 8.800 cơ sở; trong đó, phát hiện 1.196 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP, xử lý vi phạm hành chính 243 cơ sở với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Riêng trong quý I/2018, toàn tỉnh kiểm tra được 2.758 cơ sở/9.004 cơ sở quản lý. Kết quả, có 368 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 30 cơ sở với tổng số tiền phạt là 75,3 triệu đồng,14 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm.

NHÓM PV


An toàn thực phẩm - "bắt đúng bệnh" để có giải pháp hiệu quả - Bài 1: Phổ biến lỗi vi phạm về nguồn gốc thực phẩm

An toàn thực phẩm - "bắt đúng bệnh" để có giải pháp hiệu quả - Bài 2: Nhân rộng mô hình "sạch từ vườn đến bàn ăn"

An toàn thực phẩm - "bắt đúng bệnh" để có giải pháp hiệu quả - Bài 3: Tăng cường nhân lực, thiết bị cho công tác quản lý

.
.
.