.

Sinh viên du lịch: Bám thực tế để luyện nghề

Cập nhật: 18:37, 18/06/2018 (GMT+7)

Trước thực tế nhân lực ngành du lịch của tỉnh vừa thiếu, vừa chưa đáp ứng yêu cầu, Trường CĐ Du lịch BR-VT đã tăng cường gắn kết đào tạo với các DN trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Việc gắn kết này đã tạo môi trường để người học có cơ hội cọ sát thực tế, rèn luyện kỹ năng thực hành, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng xu hướng phát triển.

Sinh viên Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu được hướng dẫn thực tập tại The Grand Hồ Tràm Strip (huyện Xuyên Mộc).
Sinh viên Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu được hướng dẫn thực tập tại The Grand Hồ Tràm Strip (huyện Xuyên Mộc).

THỰC HÀNH TRONG MÔI TRƯỜNG CHUYÊN NGHIỆP

Buổi thực hành nghiệp vụ của 30 SV năm cuối ở các ngành đào tạo của Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu diễn ra tại The Grand Hồ Tràm Strip (huyện Xuyên Mộc). Trong căn phòng nghỉ của du khách, các SV chăm chú lắng nghe Giám đốc bộ phận buồng phòng trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ dọn phòng. Các SV được chỉ dẫn tỉ mỉ từ cách thay drap giường, thay vỏ gối đến cách nén gối phẳng đẹp…. SV Ngô Trần Minh Nhật, ngành quản trị khách sạn chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được thực tập trong môi trường khách sạn 5 sao. Những kỹ năng thực tế rất hữu ích, giúp em rèn luyện tay nghề, bổ sung kiến thức nghiệp vụ”. 

Thực tế, bên cạnh những giờ học tại trường, việc thực hành tại các cơ sở du lịch giúp SV tiếp cận nhanh với môi trường làm việc, định hướng phát triển tay nghề. SV Trần Anh Khoa, SV năm cuối ngành đầu bếp, Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu chia sẻ: “Từ tháng 4-2018, em được thực hành kỹ thuật chế biến món ăn tại The Grand Hồ Tràm Strip. Em đã được rèn luyện nhiều kỹ năng, kỹ thuật nấu ăn mới. Ví dụ như nấu các loại nước sốt, làm các món ăn mới chưa từng được thực hành tại trường như pate gan ngỗng, sườn cừu Úc. Với sự hướng dẫn chuyên nghiệp, nhiệt tình của đầu bếp, tháng 5-2018 vừa qua, em đạt giải Ba tại Hội thi Tay nghề toàn quốc. Đối với em đây là điều tuyệt vời”.

Ông Phạm Công Long, Giám đốc Nhân sự The Grand Hồ Tràm Strip, từ năm 2013, khu nghỉ dưỡng bắt đầu phối hợp với trường CĐ Du lịch Vũng Tàu để đào tạo nghề cho SV. The Grand Hồ Tràm Strip đã cử chuyên gia nước ngoài tới trường trực tiếp giảng dạy và bố trí cho SV được thực tập tại khu nghỉ dưỡng 5 sao. Trong quá trình thực tập, SV được hỗ trợ về phương tiện đi lại, bữa ăn ca, những SV giỏi còn được trả lương. Mong muốn của The Grand Hồ Tràm Strip là giúp các SV nâng cao kỹ năng nghề và được rèn luyện tay nghề trong môi trường nghỉ dưỡng phức hợp nhiều dịch vụ. Sau thời gian thực tập tại đây, các SV ngành du lịch đều được trang bị các kiến thức, kỹ năng thực tế, cọ xát với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Mới đây, có 2 SV của trường đã đạt giải cao trong cuộc thi tay nghề toàn quốc và quốc tế. Đây là minh chứng cho hiệu quả trong công tác đào tạo nghề gắn kết giữa DN và nhà trường”.

GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG NHÂN LỰC

Hiện nay, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho rằng, nguồn lực phục vụ cho ngành du lịch trên địa bàn tỉnh vừa thiếu, vừa yếu. Thực tế này khiến nhiều DN gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự. Theo ông Phạm Bá Phúc, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Thương mại DIC (TP.Vũng Tàu), phần lớn, lao động sau khi được đào tạo tại các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn của DN. Do đó, sau khi tuyển lao động DN phải đầu tư thời gian, chi phí đào tạo lại nhưng chỉ được thời gian, lao động lại “nhảy việc”, làm ở DN khác vì được trả lương cao hơn.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề thường xuyên (Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu) nói thêm: Nguồn nhân lực chưa theo kịp sự phát triển là một yếu tố làm kìm chân ngành du lịch. Lao động trong ngành “công nghiệp không khói” đòi hỏi phải có đầy đủ tố chất của một người làm dịch vụ: tính trách nhiệm cao với công việc, có khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm hoàn thiện. Vì thế, để có nguồn nhân lực ngành du lịch đạt tiêu chuẩn chất lượng, ngoài The Grand Hồ Tràm Strip, trong những năm qua, trường CĐ Du lịch Vũng Tàu đã phối hợp với khoảng 10 đơn vị du lịch lớn trong tỉnh để liên kết, đào tạo như: Khách sạn Pullman, OSC Việt Nam, KDL Sài Gòn - Bình Châu - Hồ Cốc. Việc gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với DN giúp DN thuận lợi rất nhiều trong việc tìm kiếm lao động phù hợp với từng chức danh công việc. 

BR-VT đã và sẽ có thêm nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn quy mô lớn, chất lượng cao đi vào hoạt động. Để đáp ứng nguồn nhân lực du lịch, từ năm 2011 đến nay, Sở LĐTBXH triển khai giải pháp kết nối giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của DN nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề. Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Dạy nghề Sở LĐTBXH cho biết: “Việc đào tạo gắn kết giữa nhà trường và DN tạo điều kiện cho SV nắm vững kiến thức ngay trong quá trình học, giúp các em nâng cao kỹ năng, kiến thức cũng như trình độ tay nghề. SV khi học tại DN được tiếp cận với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tiễn, tiếp cận những phương tiện, thiết bị hiện đại, giúp người học nhanh chóng có những kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu công việc. Về phía DN, họ sẽ phát hiện và chọn được những SV có tay nghề đáp ứng yêu cầu của đơn vị để tuyển dụng”.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.