.
Ý KIẾN

Đừng để trẻ quen với việc nói dối

Cập nhật: 16:54, 19/06/2018 (GMT+7)

Trong cuộc sống hiện nay, chỉ vì muốn trẻ thực hiện theo ý của mình mà một số phụ huynh nghĩ ra cách bắt buộc trẻ phải nói dối. Đây là việc làm ít nhiều đã ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ.

Vừa qua, tôi có đến thăm nhà của một anh bạn. Khi đến nơi, bạn bè lâu ngày mới có dịp gặp lại nên tay bắt mặt mừng và anh có làm vài món ăn để đãi tôi. Trong lúc chúng tôi đang ăn ở nhà bếp thì có một người khách đến tìm và đứng trước cổng rào. Anh bạn tôi từ trong nhà bếp nhìn ra ngoài cổng thấy rõ vị khách ấy và tỏ ý không muốn gặp nên anh gọi đứa con trai đang học lớp 4 đến bảo: “Con ra nói với chú ấy là cha đi công chuyện rồi, không có ở nhà nghen!”. Đứa trẻ nhìn người cha với ánh mắt đầy sự thắc mắc, thằng bé đưa tay gãi đầu “Nhưng mà…”. Anh bạn của tôi lại giục con: “Thì con cứ ra nói như vậy là được. Đi nhanh lên!”…

Thực tế khi buộc trẻ nói dối theo ý của mình, nhiều phụ huynh cứ nghĩ chuyện sẽ “không sao” và xem đó là việc rất bình thường. Tuy nhiên, xét về lâu dài thì việc làm ấy có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Bởi trong thực tế, một đứa trẻ khi sinh ra được ví như tờ giấy trắng. Các em hoàn toàn chưa đủ khả năng để phân biệt được chuyện nào đúng, chuyện nào sai; việc nào nên làm và không nên làm. Mọi chuyện trẻ đều phải từ từ học hỏi, tiếp thu từ mọi người xung quanh, nhất là từ những người thân trong gia đình.

Đối với một đứa trẻ, các em luôn xem cha mẹ, những người lớn trong gia đình là tấm gương sáng để học hỏi và noi theo. Do đó, khi cha, mẹ hay những người lớn trong gia đình bắt trẻ nói dối, thì sẽ hình thành thói quen nói dối trong tiềm thức của trẻ. Khi lớn lên trẻ sẽ không cảm thấy xấu hổ với việc nói dối và đó sẽ là điều rất nguy hiểm.

Nhân cách của một đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự giáo dục của gia đình. Do đó, trước mỗi việc làm, cần dạy cho trẻ biết hành động đúng với chuẩn mực, đạo lý, kể cả khi đó là những “việc vặt” trong cuộc sống.

NGUYỄN VĂN DÔ

 
.
.
.