.
TÂM SỰ CỘNG TÁC VIÊN

"Bén duyên" với Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Cập nhật: 09:53, 22/06/2018 (GMT+7)

Tháng 4-1995, sau 6 tháng huấn luyện ở “khung bờ” Tiểu đoàn DK1, tôi bước chân xuống tàu ra Nhà giàn Phúc Nguyên làm nhiệm vụ. Lần đầu công tác nơi đầu sóng ngọn gió, không thể nói hết được những khó khăn gian khổ ở Nhà giàn DK1 những năm thập niên 90 của thế kỷ XX: Rau xanh chia từng nắm nhỏ, nước ngọt sẻ từng ca, 10 chiến sĩ xúm tai nghe thông tin từ đất liền qua chiếc đài catsette nhỏ, nỗi nhớ đất liền canh cánh trong lòng... Vốn có “máu” văn chương, tôi viết bài ghi lại những ngày gian khó trên nhà giàn. Ngày đó nhà giàn chưa có máy tính như bây giờ, tất cả đều viết tay. Sau một lần viết nháp, một lần viết chính thức, bản thảo bài báo hoàn thành. Tôi bỏ vào phong thư, dán tem, gửi về tòa soạn Báo Bà Rịa-Vũng Tàu theo tàu và chờ đợi. 

Tác giả trong một lần đi khảo sát, nắm thông tin tại xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc.
Tác giả trong một lần đi khảo sát, nắm thông tin tại xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc.

Tháng 6-1995, sau 2 tháng kể từ ngày gửi bản thảo, tôi nhận được báo biếu. Giữa biển khơi muôn trùng sóng gió, cầm tờ báo Bà Rịa-Vũng Tàu trên tay mà xúc động. Đây rồi: “Ở cột mốc chủ quyền trên biển” - tác phẩm đầu tay viết về Nhà giàn DK1. Tôi “khoe” khắp nhà giàn. Mọi người truyền tay nhau đọc. Tác phẩm đầu tay được tòa soạn chọn đăng đã nuôi dưỡng niềm đam mê viết báo trong tôi. Sau những giờ huấn luyện, trực canh gác, tôi lại miệt mài viết báo để hễ có tàu ra là gửi về tòa soạn. Tôi “bén duyên” với Báo Bà Rịa-Vũng Tàu từ đó.

22 năm cộng tác thường xuyên với Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, tôi đã có hàng trăm tác phẩm được đăng. Trong số đó, tác phẩm tôi không thể nào quên đó là loạt bài “Những trang đời huyền thoại”. Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, tòa soạn đặt tôi viết loạt bài về những chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa. Tôi lần tìm địa chỉ nhà ông Lê Hà, má Mười Riều, ông Nguyễn Sơn - 3 nhân vật có công lớn trong việc vượt biển ra bắc chở vũ khí đạn dược chi viện cho chiến dịch Bình Giã. 

Ngày 17-10-2016, “Cuộc vượt biển bằng máu” - bài đầu tiên trong loạt bài này khởi đăng trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Cầm tờ báo trên tay, tôi rưng rưng xúc động. Trung tá Nguyễn Đình Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Lữ đoàn 171 nắm chặt tay tôi bảo: “Đồng chí đã cho chúng tôi hiểu thêm về những con người huyền thoại của tỉnh nhà”. Đại tá Nguyễn Trọng Ái, Bí thư Đảng ủy Lữ đoàn 171 thì nhận xét: “Đọc mà thấy khóe mắt cay cay. Họ đúng là những con người huyền thoại”. 

Khó có thể kể hết kỷ niệm với những tác phẩm được Báo Bà Rịa-Vũng Tàu chọn đăng, nhưng điều tôi luôn hãnh diện là được viết, được góp sức nhỏ bé của mình tuyên truyền về biển đảo, khơi dậy tinh thần khắc phục khó khăn gian khổ, động viên cán bộ chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, cụm nhà giàn DK1, giúp họ thêm yêu đời và vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, mà Báo Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những nhịp cầu để chuyển tải đến các cán bộ, chiến sĩ ấy.  

 Mỗi bài viết được Báo Bà Rịa-Vũng Tàu chọn đăng lại tiếp thêm cho tôi tình yêu nghề nghiệp. Tôi hiểu viết báo không chỉ là một nghề mà còn là hơi thở, là cuộc sống và niềm vui, mà Báo Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi truyền lửa, ươm mầm và chắp cánh cho tôi thỏa niềm mơ ước, dù say này tôi có nhiều bài cộng tác trên các tờ báo khác.

MAI THẮNG
(Lữ đoàn 171 Hải quân)

.
.
.