.

Rủ nhau đi lưới cá, câu tôm

Cập nhật: 09:53, 22/06/2018 (GMT+7)

Vào những ngày nước ròng, tại khu vực Ba Kiềm (huyện Xuyên Mộc), nhiều người dân, du khách tổ chức quây lưới bắt cá, câu tôm tích, tìm bắt cua đá... Thú vui này vừa giúp xả stress mà còn có những “chiến lợi phẩm” mang về.

Anh Sơn (trái) và anh Sinh chuẩn bị lưới cá.
Anh Sơn (trái) và anh Sinh chuẩn bị lưới cá.

MỘT NGÀY ĐI LƯỚI CÁ, CÂU TÔM

Theo lời hẹn với anh Trường Sơn (Công ty tổ chức sự kiện Xuyên Mộc, ấp Nhân Nghĩa, xã Xuyên Mộc), 17 giờ chiều cuối tuần, chúng tôi có mặt tại khu vực Ba Kiềm (bãi biển giáp ranh giữa Bình Châu và Hồ Cốc). Đến nơi, chúng tôi đã thấy anh Sơn cùng mấy người bạn ở địa phương đang đợi sẵn cùng dụng cụ lưới cá, câu tôm tích. Anh Sơn ra mép nước nhặt mấy con ốc đinh, đục lỗ, luồn sợi dây cước khoảng 2m vào rồi buộc lại là xong đồ câu tôm tích. Anh hướng dẫn: “Tôm tích làm hang trên bãi cát. Khi nước rút, các anh chị nhìn kỹ sẽ thấy những lỗ lớn hơn đầu tăm, có cát đùn lên. Chúng ta gạt lớp cát này là hang tôm lộ ra, chỉ cần thả ốc xuống, tôm tích sẽ tìm cách nhoi lên. Nhiều hang rất sâu, có khi phải thả dây câu dài tới 2m mới tới đáy”.

Đợi nước rút ra xa, để lộ dải cát trắng mịn, chúng tôi chia làm 2 nhóm đi câu tôm tích. Mỗi khi thấy hang tôm, anh Sơn lại gạt lớp cát phía trên rồi khéo léo thả con ốc đinh xuống, khi ốc chạm đáy, anh chờ vài giây rồi nhẹ nhàng kéo lên. “Theo bản năng sinh tồn, con tôm tích thấy vật lạ xuống hang thì ngoi lên để tránh và sẽ bị con ốc chặn luôn đường thoái lui trở lại”, anh Sơn giải thích. Khi “mồi” câu còn cách miệng hang vài centimet, anh Sơn giật mạnh, con tôm tích bị kéo phăng khỏi hang. Sau khoảng 1 tiếng, 2 nhóm chúng tôi đã “câu” được khoảng 4kg tôm tích, trong đó có nhiều con cỡ bằng 2 đầu ngón tay.

Thủy triều tiếp tục rút ra xa, chúng tôi chuyển sang đi thả lưới bắt cá. Anh Sơn và anh Hữu Sinh (xã Xuyên Mộc) mỗi người cầm một tấm lưới lội ra biển, khi nước đến chừng đầu gối thì thả. Trời tối dần. 4 người trong nhóm anh Sơn mỗi người đeo một chiếc đèn pin lên trán đi soi cua đá (cúm). Loài cua này thường ở trong các hang, khe đá ven bờ biển, có mai và chi màu tím sẫm. “Cua đá thường đi ăn vào ban đêm. Việc bắt cua đá phụ thuộc vào con nước ròng. Khi phát hiện hang cua, các bạn dùng móc để lôi cua ra”, anh Sơn hướng dẫn.

Anh Phạm Văn Khương (231, đường 27/4, thị trấn Phước Bửu), lần đầu tiên đi bắt cua đá nhưng cũng kịp rút ra kinh nghiệm sau một hồi theo chân anh Sơn: “Nếu để ý kỹ sẽ thấy những phiến đá có cua trốn bên dưới thi thoảng có bong bóng do cua thở, hoặc những cục đá nhỏ rung nhẹ vì cua di chuyển. Cứ bám theo đó mà moi cua ra”.

Trong thời gian bắt cua, cứ 20 phút, chúng tôi lại cùng anh Sơn, anh Sinh đi gỡ lưới. Mẻ đầu tiên, gần 20 con cá đối, cá rô biển, cá chập mắc lưới. Những con cá nhỏ được thả lại biển… Gần 21 giờ, cả nhóm kết thúc các hoạt động và thu được thêm “chiến lợi phẩm” là khoảng 5kg cá các loại và khoảng 2kg cua đá.

Một nhóm bắt cua đá tại khu vực Ba Kiềm.
Một nhóm bắt cua đá tại khu vực Ba Kiềm.

LÀM CHƠI, “ĂN” THẬT

Không ai biết thú vui câu tôm tích, thả lưới bắt cá có từ bao giờ, nhưng đây là thói quen của nhiều người dân địa phương trong những năm qua. “Là dân biển nên chúng tôi biết quy luật nước lớn, nước ròng, mỗi tháng chỉ có 2 lần, mỗi lần 3 ngày. Những lúc ấy, chúng tôi lại rủ bạn bè đi lưới cá, bắt cua, vừa là cách để xả stress, lại có sản phẩm mang về. Ốc đá hay tôm tích còn tươi rói, hấp ăn rất ngon, thịt thơm và dai. Hôm nào trúng, lưới được mấy con cá chình thì ai cũng phấn khởi, bởi nấu canh chua hoặc nướng muối ớt đều rất tuyệt. Còn cua đá thì có thể chế biến thành nhiều món: cua đá rang muối, cua đá rang me, cua đá hấp sả, bún riêu cua đá...”, anh Sơn nói.

Bên cạnh đó, nhiều người coi việc bắt cua, tôm như một công việc để kiếm thêm thu nhập. Anh Nguyễn Văn Ty (khu phố Hải Sơn, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) cho biết, cua đá được thương lái mua với giá từ 140.000-170.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ. “Bình thường, tôi đi ghe đánh cá gần bờ. Nhưng những hôm nước ròng, tôi lại cùng vợ đi bắt cua, đập hàu biển và ốc đá. Nếu chăm chỉ, mỗi tối vợ chồng tôi cũng kiếm được 500-600 ngàn đồng, lại còn có mồi để bạn bè lai rai”, anh Ty nói.

Tranh thủ những ngày không đi biển, anh Nguyễn Văn Ty (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) đi đập hàu ở khu vực Ba Kiềm (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: MINH THANH
Tranh thủ những ngày không đi biển, anh Nguyễn Văn Ty (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) đi đập hàu ở khu vực Ba Kiềm (huyện Xuyên Mộc).

Ngoài vợ chồng anh Ty, chúng tôi còn gặp chị Nguyễn Thị Lý (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) và 2 cậu con trai đi bắt chang chang (cùng họ với nghêu). “Mỗi tháng chỉ cào chang chang được vài ngày nên mẹ con tôi tranh thủ kiếm thêm để có tiền cho các con mua tập vở, đồng phục vào năm học mới. Ngày nào “trúng” cũng được khoảng 300.000 đồng”, chị Lý cho hay.

Ông Lâm Quang Dũng, Trưởng Ban Quản lý các KDL huyện Xuyên Mộc cho biết: “Thú vui dã ngoại kết hợp bắt tôm, cua, cá của người dân là lành mạnh mang tính giải trí. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân cần cẩn thận, khi đi chơi, câu tôm, cá thì đi theo nhóm để tự trông chừng, bảo vệ sự an toàn cho nhau, tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra”.

Bài, ảnh: MINH QUANG

.
.
.