.
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI THU HỒI ĐẤT, QUẢN LÝ ĐẤT TRỒNG RỪNG Ở XUYÊN MỘC:

An dân nhưng không vượt quy định pháp luật - Bài 1: Rừng và đất rừng bị xâm hại

Cập nhật: 20:22, 21/06/2018 (GMT+7)

Vụ khiếu nại của các hộ dân ở huyện Xuyên Mộc về việc bị Lâm trường Xuyên Mộc (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT) thu hồi đất, giao khoán đất rừng không đúng đối tượng đã kéo dài hơn 20 năm qua. Với tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo đảm an sinh xã hội, quá trình giải quyết khiếu nại của lãnh đạo tỉnh đối với người dân đến nay cơ bản đã tạo được sự đồng thuận. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây cũng đã có những thông tin liên quan, nay hệ thống lại diễn biến vụ việc về mặt thời gian để bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này.

Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với các hộ dân về giao khoán đất rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT vào ngày 14-6-2018.
Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với các hộ dân về giao khoán đất rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT vào ngày 14-6-2018.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG BỊ BUÔNG LỎNG

Giai đoạn từ năm 1976-1980, nhiều hộ dân ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Biên Hòa… đến Xuyên Mộc (thuộc tỉnh Đồng Nai) lập nghiệp theo chính sách di dân xây dựng vùng kinh tế mới. Khi đó, hầu hết diện tích tự nhiên của Xuyên Mộc là rừng và đất rừng. Người dân đi xây dựng kinh tế mới được Nhà nước cấp đất làm nhà ở dọc theo Quốc lộ 56 và 2 tuyến tỉnh lộ 328 và 329 ở huyện Xuyên Mộc hiện nay. Trong đó, có vùng dân cư mới thuộc xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc.

Ông Nguyễn Văn Thiện (65 tuổi, ngụ xã Hòa Hội) và một số người lớn tuổi khác từng đưa gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới Xuyên Mộc trước năm 1980, cho biết: Những năm đầu lập nghiệp ở vùng đất mới, người dân khai hoang những diện tích đất trống bạt ngàn cỏ tranh, cỏ đuôi chồn để trồng hoa màu; vào rừng hạ cây lấy củi, gỗ, đốt lò than để bán kiếm thêm thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Vương (ngụ ấp 2, xã Hòa Hội) đề nghị cần công khai, minh bạch những đối tượng được giao đất rừng sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT và diện tích là bao nhiêu.
Bà Nguyễn Thị Vương (ngụ ấp 2, xã Hòa Hội) đề nghị cần công khai, minh bạch những đối tượng được giao đất rừng sản xuất tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT và diện tích là bao nhiêu.

Năm 1978, nhằm quản lý, bảo vệ rừng trước tình trạng người dân xâm hại đến rừng, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 546/QĐ-UBT ngày 13-5-1978 thành lập Lâm trường Xuyên Mộc (LTXM) với nhiệm vụ tổ chức kinh doanh tổng hợp toàn diện về lâm nghiệp trên diện tích 16.100ha, gồm: Quản lý, bảo vệ, chăm sóc, tu bổ, cải tạo, trồng mới, khai thác tận thu hợp lý lâm sản theo quy hoạch, kế hoạch hàng năm được cấp thẩm quyền phê duyệt. 10 năm sau, ngày 29-1-1988, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục ký Quyết định số 173/QĐ-UBT điều chỉnh giảm diện tích rừng giao cho LTXM là 14.900ha.

Rừng cây keo lai của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT tại địa bàn xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc.
Rừng cây keo lai của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT tại địa bàn xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc.
Diện tích đất rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT đã thu hồi và quản lý. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Diện tích đất rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT đã thu hồi và quản lý. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Giai đoạn từ năm 1986-1994, làn sóng di dân tự do từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung ồ ạt đổ về huyện Xuyên Mộc. Theo đó, nhu cầu về đất sản xuất tăng lên, trong khi công tác quản lý rừng và đất rừng của LTXM bị buông lỏng, dẫn đến tình trạng người dân vào rừng tận thu lâm sản, đốt rừng chồi, lùm bụi để lấy đất làm rẫy ở những diện tích rừng LTXM đã khai thác gỗ, nhưng chưa khoanh nuôi tái sinh hay trồng lại rừng. Bên cạnh đó, tình trạng sang nhượng đất sản xuất giữa người dân địa phương với người dân di cư tự do cũng đã diễn ra trong thời gian này, có cả đất rừng do người dân tự ý xâm chiếm làm rẫy trong diện tích rừng được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho LTXM.

Trong quá trình quản lý đất đai trước đây của tỉnh Đồng Nai và tỉnh BR-VT sau khi thành lập năm 1991, diện tích đất rừng đã giao cho LTXM có sự điều chỉnh giảm dần, để giao lại cho các đơn vị khác quản lý bảo vệ, tổ chức sản xuất theo mô hình khác và giao cho UBND huyện Xuyên Mộc quản lý, sử dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Theo đó, đến cuối năm 1996, UBND tỉnh BR-VT ban hành Quyết định số 3075/QĐ-UBT giao 8.273ha đất lâm nghiệp tại các xã Bưng Riềng, Hòa Hội, Bông Trang, Hòa Hiệp cho LTXM quản lý, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng mới để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.

NGƯỜI DÂN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO NHỮNG GÌ?

Thực hiện nhiệm vụ trồng mới rừng hàng năm, từ năm 1992 đến năm 1995, LTXM đã tiến hành thu hồi đất rừng thuộc phạm vi quản lý của LTXM bị hộ dân xâm chiếm sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là khoảng thời gian bắt đầu phát sinh khiếu nại, tố cáo của người dân các xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc về việc bị LTXM giải tỏa, thu hồi đất. Người dân cho rằng, giai đoạn từ năm 1989 đến 1993, họ có công khai hoang diện tích đất này. Sau đó, LTXM thu hồi lại đất của người dân để trồng rừng. Vì vậy, các hộ dân yêu cầu giao trả đất cho họ sản xuất nông nghiệp.

Khiếu nại trên của các hộ dân đã được Thanh tra Nhà nước tiến hành thanh tra vào tháng 8-2001. Theo đó, Tổng Thanh tra Nhà nước đã có văn bản số 903/TTNN-XKT ngày 18-10-2001, kết luận nêu rõ: Vào thời điểm từ năm 1988-1990, các hộ dân tự ý bao chiếm đất xâm canh trên diện tích đất trước đây tỉnh Đồng Nai và sau này là UBND tỉnh BR-VT giao cho LTXM quản lý sử dụng, không được cơ quan thẩm quyền cho phép, không kê khai, đóng thuế cho Nhà nước là sai quy định của Luật Đất đai năm 1988, 1993 và 1998. Do vậy, không có cơ sở để xem xét việc giao trả lại đất cho các hộ dân. Hành vi tự động vào lấn chiếm đất LTXM của các hộ dân là vi phạm pháp luật.

Thế nhưng, các hộ dân ở 3 xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc vẫn tiếp tục khiếu nại. Việc khiếu nại, tố cáo đối với LTXM trước đây và từ năm 2006 chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT đã kéo dài nhiều năm qua, diễn biến ngày càng phức tạp, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự, tạo áp lực với các cơ quan chức năng các cấp từ xã đến huyện và tỉnh; khiếu nại, tố cáo đến cơ quan Trung ương.

Nội dung khiếu nại, tố cáo của các hộ dân tập trung vào một số vấn đề: Yêu cầu giao trả lại đất do người dân khai phá, sử dụng vào những năm 1986-1990 đã bị LTXM lấy lại từ năm 1992. Tố cáo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT lấy đất của dân để phân chia cho cán bộ, công nhân viên; tố cáo thu hồi đất không sử dụng trồng rừng mà trồng cao su, cây ăn trái; tố cáo cán bộ công ty được giao khoán đất trồng rừng quá nhiều…

NHÓM PHÓNG VIÊN NC-BĐ
(còn nữa)

.
.
.