.
THÁNG CAO ĐIỂM DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON (TỪ NGÀY 1 ĐẾN 30-6)

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Cập nhật: 20:07, 21/06/2018 (GMT+7)

Xét nghiệm HIV sớm có thể giúp bà mẹ phát hiện và loại trừ hoàn toàn nguy cơ lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con. Vì lợi ích đó, tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (viết tắt là PLTMC, từ 1-6 đến 30-6) đã được Bộ Y tế chọn chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020”.

Chương trình PLTMC hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020. Trong ảnh: Nữ hộ sinh chăm sóc sản phụ mới sinh con tại Bệnh viện Lê Lợi.
Chương trình PLTMC hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020.
Trong ảnh: Nữ hộ sinh chăm sóc sản phụ mới sinh con tại Bệnh viện Lê Lợi.

DỰ PHÒNG SỚM, SINH CON KHỎE MẠNH 

Chị T.N. (TP.Vũng Tàu) biết mình bị nhiễm HIV trong một lần khám thai tại Bệnh viện Lê Lợi. Chồng chị thường xuyên đi làm xa nên chị chỉ còn mỗi mẹ chồng để trông cậy. Bà không chỉ động viên chị vượt qua khó khăn mà còn chăm sóc, lo lắng cho 2 mẹ con chị. Bà khuyên chị kiên trì đến bệnh viện thường xuyên để PLTMC. Mỗi lần chị đến hẹn khám, lấy thuốc uống, bà đều đi cùng để chị an lòng, xóa bỏ mặc cảm. Kiên trì dùng thuốc trong suốt thời gian mang thai, chị N. đã sinh con hoàn toàn khỏe mạnh và không bị nhiễm HIV. 

Chị T.N. là một trong những trường hợp nhiễm HIV/AIDS sinh con khỏe mạnh nhờ được PLTMC sớm tại Bệnh viện Lê Lợi, một trong các điểm cung cấp dịch vụ PLTMC trọn gói, thuộc chương trình PLTMC của tỉnh BR-VT. Tham gia dịch vụ này, thai phụ nhiễm HIV/AIDS được điều trị thuốc kháng vi rút (ARV), tư vấn nuôi dưỡng an toàn cho mẹ sinh con, cung cấp sữa thay thế cho trẻ phơi nhiễm. Trẻ sinh ra được chuyển tiếp đến cơ sở chăm sóc điều trị trẻ em để được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV và được xét nghiệm chẩn đoán tình trạng nhiễm HIV (dưới 18 tháng tuổi). 

Chương trình PLTMC tại BR-VT được triển khai từ năm 2009. Tính đến nay, tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh đã duy trì được mức thấp từ 0% đến dưới 2%. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 6 trường hợp mang thai nhiễm HIV/AIDS trên tổng số 3.036 phụ nữ có thai được xét nghiệm HIV/AIDS. Tất cả các trường hợp này đều đang được điều trị PLTMC miễn phí bằng ARV.  

HƯỚNG TỚI LOẠI TRỪ HIV LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON

Bác sĩ Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã chọn chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020” cho tháng cao điểm PLTMC 2018 (từ 1-6 đến 30-6) năm nay nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao… về lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị PLTMC sớm; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong PLTMC. Đồng thời, tăng cường cung cấp các dịch vụ PLTMC, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ PLTMC.

Theo đó, tháng cao điểm diễn ra ở nhiều địa phương với các hoạt động truyền thông, thăm gia đình phụ nữ mang thai nhiễm HIV; tư vấn cho đối tượng nguy cơ tại các cơ sở y tế, câu lạc bộ, nhóm tự lực về lợi ích điều trị PLTMC sớm, lợi ích của BHYT với phụ nữ nhiễm HIV. Trong tháng cao điểm cũng diễn ra các hội nghị, hội thảo về các chủ đề: xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại cộng đồng; phổ biến, cập nhật kiến thức mới về PLTMC… Các cơ sở điều trị HIV/AIDS thực hiện tư vấn, điều trị ARV ngay cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, phối hợp chặt chẽ và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ PLTMC sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ để họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng; mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã. Tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động tại nơi có nguy cơ cao, phụ nữ mang thai khó tiếp cận với y tế. Đảm bảo việc cung ứng thuốc ARV liên tục, sử dụng phác đồ điều trị phù hợp, hỗ trợ tuân thủ điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV để giảm tối đa tình trạng nhiễm HIV từ mẹ.

Theo các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ vào khoảng 25-40% nếu không được phát hiện và điều trị dự phòng. Còn nếu được quản lý và điều trị dự phòng sớm thì khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ từ 2-5%.


Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.