.

Bàn về "quỹ đen"

Cập nhật: 09:53, 22/06/2018 (GMT+7)

Lâu nay, thuật ngữ “quỹ đen” trong gia đình là từ thường dùng để chỉ khoản tiền các ông chồng giấu vợ, giữ lại để chi tiêu riêng. Nhưng trong thực tế, nhiều bà vợ cũng lập “quỹ đen” để phòng những lúc bất trắc. Vì vậy, lập và sử dụng “quỹ đen” như thế nào cho hợp lý là điều đáng bàn.

Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Có nhiều lý do để chồng hoặc vợ lập “quỹ đen” và cách để tạo “quỹ đen” cũng muôn hình vạn trạng. Các ông chồng mà mọi thứ trông vào lương thì khi đưa lương cho vợ, giữ lại một phần, nói để mua cái này chi cái nọ. Nhưng khoản “quỹ đen” này bé xíu, chả giải quyết được vấn đề gì lớn ngoài chuyện phải chi tiêu đột xuất khi gặp gỡ bạn bè. Các ông có chút bổng lộc ngoài lương thì đơn giản hơn. Phần cứng nộp đủ cho vợ, phần mềm giữ lại. Ông nào bị vợ quản chặt thì yêu cầu kế toán: tiền lương chuyển vào tài khoản X., tiền thưởng chuyển vào tài khoản Y.. Khi cần chi tiêu, cứ việc dùng “quỹ đen” mà không phải nghe vợ cằn nhằn. Nói chung những khoản “quỹ đen” đó thuộc dạng vô thưởng vô phạt, vợ có biết cũng không nỡ làm căng. Còn “quỹ đen” to có thể mua xe, mua nhà cho bồ nhí thì chỉ có thể là của các ông chồng có điều kiện, làm ăn phát đạt, các khoản thu nhập khác gấp cả trăm lần lương, vợ có ba đầu sáu tay cũng chẳng thể quản lý. 

Ai cũng nghĩ các bà vợ thì cần gì phải có “quỹ đen” vì phần lớn các ông chồng đều đưa tiền cho vợ quản lý. Thiếu thì các bà cứ việc nói chồng lo cho đủ mà dư cũng chẳng bà nào đưa cho chồng tiêu xài hoang phí. Phần dư dôi ấy thành quỹ. Những gia đình có các ông chồng làm công việc tự do, tài chính không rõ ràng, khó quản lý, vợ cần phải có “quỹ đen” phòng khi công việc làm ăn của chồng gặp chuyện, có thể dùng khoản tiền đó giúp chồng chèo chống công ty, gia đình vượt qua khó khăn. Những gia đình có ông chồng rộng rãi, phóng tay với bạn bè; ưa cờ bạc, rượu chè, đề đóm thì người vợ nhất thiết phải có “quỹ đen”. Những khoản quỹ này, một là có thể xoay xở cứu vãn được tình thế, hai là nếu điều xấu nhất xảy ra thì người vợ cũng có chút vốn để lo cho con cái sau này.

Thực tế cũng có nhiều bà vợ lập “quỹ đen” để chi tiêu cho cá nhân như mua sắm, du lịch, làm đẹp; nhưng nói chung hầu hết các bà vợ đều dùng số tiền đó để lo cho gia đình, chồng con. Tâm lý phụ nữ Việt Nam hay tiết kiệm và phòng xa. Thu nhập 10 đồng chỉ dám chi tiêu khoảng 5-7 đồng, còn lại phải để dành cho tương lai, con cái, lo khi ốm đau, phòng lúc bất trắc... 

Chị bạn tôi kể: Hai vợ chồng đều làm công nhân, lương thấp nhưng mỗi ngày chị cũng cố bớt lại vài chục ngàn bỏ vô hộp sắt rồi khóa lại. Lúc chồng chị bị tai nạn, mở hộp cũng được gần chục triệu đồng lo viện phí. Chị bạn khác thì có chồng là dân làm ăn, thu nhập bấp bênh. Trước đây, chị cũng lập “quỹ đen” nhưng chồng cứ thiếu vốn lại mượn mà không trả. Sau này, chị nhờ bà ngoại giữ, chồng biết nhưng giữ thể diện, có cần cũng không dám hỏi mẹ vợ. Thế là nhờ khoản “quỹ đen” ấy mà khi sinh con, chị có tiền lo viện phí, tiền mua sữa cho con, rồi chi tiêu trong thời gian nghỉ thai sản vì khi đó công ty chồng lại đang làm ăn thua lỗ.

Tuy nhiên, việc lập “quỹ đen” cũng có nhiều cái bất lợi. Thứ nhất, lập “quỹ đen” đồng nghĩa với sự thiếu tin tưởng vào người bạn đời, thậm chí còn bị cho là giấu giếm, vụng trộm, khiến người lập quỹ mệt mỏi vì phải lén lút, che giấu, đó là chưa kể hậu quả khi bị người bạn đời phát hiện và không thông cảm. Hơn nữa, việc lập “quỹ đen” khiến hạnh phúc gia đình dễ bị xáo xào khi một người cảm thấy mình thì toàn tâm toàn ý lo cho gia đình còn người kia lại chỉ lo thủ lợi cá nhân. Nếu một gia đình mà chồng vợ đều có “quỹ đen”, ai cũng chăm chăm lo phần quỹ của mình thì gia đình đó sẽ ra sao? “Quỹ đen” làm các ông chồng dễ hư nhưng đôi khi cũng khiến các bà vợ trở nên liều lĩnh và tự tin thái quá vì nghĩ mình có tài sản riêng, sẽ có lợi thế hơn nếu xảy ra trường hợp xấu là chia tay nhau. Thế là thay vì nghĩ cách giữ gìn, bảo vệ hạnh phúc gia đình thì họ lại sẵn sàng để cho nó tan vỡ.

Vậy nên, việc lập quỹ đen cần được tính toán kỹ và điều cốt yếu hãy lập “quỹ đen” vì lợi ích chung của gia đình, con cái chứ đừng vì cá nhân. 

AN AN

.
.
.