.

Sớm muộn gì cũng lòi ra

Cập nhật: 16:12, 13/06/2018 (GMT+7)

- Này, ông nghĩ sao nếu như tui đi đăng ký học thạc sĩ?!

- Ngạc nhiên chưa. Sao nảy ra ý nghĩ ấy?

- Báo chí đưa tin cụ ông Lê Phước Thiệt ở Quảng Nam nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ở tuổi 85, thấy ngưỡng mộ quá, tinh thần “học, học nữa, học mãi…” trong tui bỗng tuôn trào. 

- Ờ, ở cái tuổi mà sức khỏe và cả trí nhớ đều đã giảm sút vậy mà cụ Thiệt vẫn say mê học tập, đã vậy còn tốt nghiệp thủ khoa, tấm gương và ý chí học tập của cụ thật đáng nể! Có lẽ cụ là người ghi kỷ lục thạc sĩ lớn tuổi nhất ở Việt Nam từ trước tới nay. 

- Trong nhà có đứa nào lêu lỗng, mê chơi game, lấy tấm gương học tập của cụ Thiệt ra răn dạy, thế nào thằng nhỏ cũng tu chí, học hành nghiêm túc trở lại. Còn những kẻ “học giả bằng thật”, nhìn tấm gương học tập của cụ hẳn cũng cảm thấy hổ thẹn trong lòng. Mà nè, tính đi học thạc sĩ thiệt hả?

- Thiệt chớ! Chuyện học hành đâu có thể nói chơi. 

- Vậy thì phải xác định nay từ đầu như cụ Thiệt…

- Xác định sao?

- Học để có được kiến thức và tri thức, học để khẳng định một chân lý: Có công mài sắt có ngày nên kim!

- Tất nhiên. Đã học là phải học nghiêm túc, trung thực, chứ không phải kiểu ghi danh cho có, kiếm cái bằng hữu danh vô thực để “leo cao luồn sâu”…

- Học tập mà giả dối, không trung thực, cứ nhờ người thi hộ hoặc mua bằng thì sớm muộn gì cái kim trong bọc cũng lòi ra.

SÁU BẾN ĐÌNH 

 
.
.
.