Còn xem nhẹ an toàn lao động
Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSLĐ của tỉnh vừa kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại 14 DN trên địa bàn tỉnh (từ ngày 4 đến 30-5). Qua kiểm tra cho thấy, những căn bệnh cũ của công tác ATVSLĐ vẫn còn: Người lao động tùy tiện, lơ đãng khi làm việc; chủ sử dụng ít kiểm tra, giám sát và có phần xem nhẹ công tác này.
Đoàn kiểm tra ATVSLĐ năm 2018 kiểm tra tại Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam (TX. Phú Mỹ). |
CHƯA CÓ THÓI QUEN TUÂN THỦ NGHIÊM NGẶT ATVSLĐ
Theo đoàn kiểm tra, PV có mặt tại xưởng sản xuất của Công ty CP Cơ khí Hàng hải miền Nam (TP.Vũng Tàu). Trong tiếng ồn liên tục phát ra từ hệ thống máy cắt, máy tiện nhưng không có bất cứ công nhân nào đeo thiết bị hạn chế âm thanh. Nhiều người lao động (NLĐ) không mang găng tay, không dùng khẩu trang.
Điều đáng nói là bản thân NLĐ không ý thức được việc trang bị bảo hộ là cần thiết. Anh Lê Hoài Đức, công nhân của công ty này cho biết: “Việc mang đồ bảo hộ rất vướng víu, khó thao tác khi làm việc. Mỗi lần vẽ hình mẫu tôi phải tháo găng tay rồi lại đeo găng tay vào để dùng máy cắt nên rất mất thời gian”.
Về phía người sử dụng lao động thì sao? Dưới đây là giải thích của ông Đinh Thái Công, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hàng Hải miền Nam: “Việc sử dụng bảo hộ lao động trong khu vực nhà xưởng không cần thiết. Tùy từng công việc, công ty đã trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho NLĐ nhưng với một số loại máy móc khi thao tác phải tháo găng tay mới vận hành được nên NLĐ không sử dụng. Môi trường làm việc tại xưởng thường được vệ sinh công nghiệp, độ bụi ít nên không cần mang khẩu trang”.
Còn tại Công ty CP Liên hiệp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu), Đoàn Kiểm tra liên ngành ATVSLĐ của tỉnh ghi nhận: NLĐ làm việc tại xưởng sản xuất không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ và sử dụng không phù hợp với yêu cầu công việc; NLĐ chưa thực hiện đúng các quy trình nghiêm ngặt về bảo đảm ATVSLĐ; khu vực xưởng có biển báo, bảng chỉ dẫn an toàn nhưng sơ sài, không đầy đủ; các thiết bị điện đấu nối không bảo đảm, có nguy cơ mất an toàn. Qua kiểm tra hồ sơ, đoàn phát hiện trong 2 năm (2017 và 2018) công ty không xây dựng và thực hiện chưa đầy đủ kế hoạch ATVSLĐ; đối với phương án bảo đảm ATVSLĐ công ty có xây dựng nhưng còn nhiều thiếu sót. Đặc biệt, công ty chưa xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng cứu sự cố khẩn cấp; chưa xây dựng nội quy, quy định về ATVSLĐ, không thành lập hội đồng bảo hộ lao động…
Những sai sót, vi phạm trong thực hiện quy định về ATVSLĐ như: Điều kiện làm việc cho NLĐ tại một số DN không bảo đảm; chưa thực hiện nghiêm việc đo lường, kiểm soát và phòng ngừa các yếu tố có hại, nguy hiểm tại nơi làm việc… không chỉ là nguyên nhân gây gia tăng tai nạn lao động mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
CNLĐ Công ty CP Cơ khí hàng hải miền Nam làm việc trong môi trường mất an toàn lao động. |
ĐỪNG ĐỂ HỐI KHÔNG KỊP
Dưới đây là một thống kê giật mình về số lao động bị ảnh hưởng bởi bệnh nghề nghiệp tại Công ty TNHH Vard Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu). Công ty này hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu và được đánh giá đã thực hiện tương đối đầy đủ công tác ATVSLĐ. Dù vậy, năm 2017, qua khám sức khỏe định kỳ, có đến 30 trong tổng số 216 NLĐ được chẩn đoán điếc nghề nghiệp, kể cả khi họ sử dụng thiết bị chống ồn. Hiện tại, 30 NLĐ này đang được làm thủ tục giám định tại Trung tâm Giám định y khoa tỉnh.
Thống kê này cho thấy, môi trường làm việc với nhiều máy cắt, máy tiện nếu người lao động không chú ý sử dụng nghiêm túc đồ bảo hộ lao động là rất nguy hiểm trước các căn bệnh diễn tiến chậm. Bà Nguyễn Thị Xuân Hoa, Trưởng Khoa Sức khỏe bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (thành viên của Đoàn kiểm tra) cho biết: DN chưa có sự quan tâm đặc biệt đối với sức khỏe NLĐ. Các biện pháp nhằm bảo đảm môi trường làm việc an toàn, tránh nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Có những loại bệnh như bệnh điếc nghề nghiệp diễn tiến chậm nên NLĐ không biết; nếu không phòng tránh kịp thời sẽ để lại biến chứng điếc vĩnh viễn. Do đó, để hạn chế bệnh nghề nghiệp, NLĐ phải có ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình và sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động. Người sử dụng lao động phải có sự giám sát đối với việc tuân thủ các quy định, quy trình bảo đảm an toàn tại nơi làm việc.
Đánh giá tổng quan tại 14 DN, Đoàn kiểm tra cho rằng, ngoại trừ một vài đơn vị làm tốt, nhìn chung công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế: Điều kiện làm việc cho NLĐ chưa bảo đảm; môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây mất an toàn cho NLĐ. Để xảy ra tình trạng này là do công nghệ, máy móc, thiết bị cũng như công tác quản lý điều hành của DN còn nhiều kẽ hở. Đặc biệt, việc kiểm soát công tác ATVSLĐ còn lỏng lẻo, nhất là kiểm soát công tác an toàn của các nhà thầu phụ khi vào làm việc tại DN. Trên thực tế, BR-VT đã có những vụ tai nạn xảy ra và nguyên nhân do từ phía nhà thầu phụ. Đây là lỗ hổng lớn trong quản lý ATVSLĐ. Qua kiểm tra tại các DN cho thấy, NLĐ vẫn làm việc trong tiếng ồn, bụi nhiều… Rõ ràng việc kiểm soát an toàn tại DN vẫn còn những khoảng trống. Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSLĐ năm 2018 đã yêu cầu các DN nhanh chóng khắc phục những tồn tại, thiếu sót về công tác ATVSLĐ.
ÔNG NGUYỄN PHI HÙNG, TRƯỞNG PHÒNG CHÍNH SÁCH - ATLĐ (SỞ LĐTBXH): Tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh kiểm tra Để hướng tới môi trường làm việc an toàn và giảm tai nạn lao động, các đơn vị sử dụng lao động cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; rà soát xây dựng nội quy, quy định về ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện cho NLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và cải thiện đều kiện làm việc cho NLĐ. NLĐ cần thực hiện chấp hành nghiêm túc nội quy ATVSLĐ tại DN. Đối với cơ quan có liên quan đến công tác ATVSLĐ cũng cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách; xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về ATVSLĐ một cách kịp thời, đầy đủ; bổ sung các chế tài với hành vi vi phạm mới nhằm bảo đảm tính tuân thủ của các cá nhân, tổ chức, DN; tăng cường biên chế cho hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm ATVSLĐ… Những vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra gần đây * Năm 2017, BR-VT xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Điển hình như vụ tai nạn điện tại Công ty TNHH Chế biến bột cá Phúc Lộc (TX.Phú Mỹ) khiến Lưu Thuần (SN 1992) tử vong; vụ tai nạn tại Công ty TNHH TMDV Tài Lê (TX.Phú Mỹ) khiến anh Lê Văn Tèo (SN 1984) tử vong; vụ tai nạn tại Công ty TNHH CS Wind Việt Nam (TX.Phú Mỹ) khiến anh Doãn Văn Quang (SN 1986) tử vong… Hay như vụ tai nạn nghiêm trọng ngày 22-2-2017, tại khu vực bốc dỡ hàng thuộc Công ty TNHH thép PEB (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) làm 1 công nhân tử vong. Cụ thể, thời gian trên, anh Phạm Văn Thông (SN 1971) là công nhân bốc dỡ hàng của Công ty PEB, trong lúc vận chuyển thép từ trong kho lên xe container thì bất ngờ dây cáp cột thép bị tuột làm anh Thông té ngã từ trên thùng xe (độ cao khoảng gần 4m) đập đầu xuống đất bị thương nặng được mọi người đưa vào BV Bà Rịa cấp cứu. Đến khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, anh Thông tử vong. * Tháng 2-2018, tại SVĐ huyện Xuyên Mộc đã xảy ra vụ tai nạn lao động làm 5 người bị thương nặng và 1 người tử vong. Theo đó, trong quá trình thi công công trình mái vòm, cổng chào nhằm chuẩn bị cho ngày Hội tòng quân của Ban chỉ huy quân sự huyện Xuyên Mộc, anh Nguyễn Trọng Nho (sinh năm 1990, trú tại Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) điều khiển xe nâng để nâng cổng sắt hình chữ A lên lắp ráp đã chạm vào đường dây điện làm cho 2 công nhân cùng anh Nho đang làm việc bị điện giật, gây bỏng nặng và hai người khác bị thương. Theo thống kê, từ năm 2013-2018, toàn tỉnh đã xảy ra 668 vụ, trong đó 39 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 46 người, bị thương 18 người. Bệnh nghề nghiệp tuy chưa được thống kê đầy đủ, nhưng trung bình có trên 350 công nhân mắc các bệnh nghề nghiệp. |
Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC