.
PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN

"A lô 114..., cảnh sát PCCC xin nghe!"

Cập nhật: 19:34, 22/06/2018 (GMT+7)

Không trực tiếp đến hiện trường chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, nhưng những cán bộ, chiến sĩ trực tổng đài 114 của Cảnh sát PCCC đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó nhanh sự cố cháy, nổ; cứu giúp người bị nạn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

Chiến sĩ trực tổng đài 114 - Phòng Cảnh sát PCCC số 2 tiếp nhận thông tin báo cháy của người dân.
Chiến sĩ trực tổng đài 114 - Phòng Cảnh sát PCCC số 2 tiếp nhận thông tin báo cháy của người dân.

11 giờ 30 ngày 12-6, đang chuẩn bị ăn trưa, bất chợt điện thoại phòng trực tổng đài 114 - Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (TP.Vũng Tàu) reo vang, hạ sĩ Phạm Đình Danh nhanh chóng nhấc máy: “Alô, Cảnh sát PCCC Vũng Tàu xin nghe!”. Ngay sau khi nhận cuộc gọi của người dân báo tin về vụ cháy nhà tại hẻm 151, Lê Lợi, kết hợp các biện pháp xác minh nguồn tin, hạ sĩ Danh báo cho chỉ huy để đơn vị điều phương tiện và lực lượng đến hiện trường. 

Hạ sĩ Danh cho biết, bộ phận tổng đài 114 trực 24/24 giờ với 2 người/ca/ngày. Người trực không chỉ đơn thuần là tiếp nhận và truyền báo tin cháy, nổ, mà còn phải xử lý thông tin sao cho chính xác, kịp thời; phải hỏi kỹ thông tin về địa điểm, vị trí, mức độ, phạm vi và con đường gần nhất để tiếp cận đám cháy, trong đó đặc biệt chú ý tới thông tin có người mắc kẹt trong vụ cháy hay không. Nhiều trường hợp do mất bình tĩnh, hoảng loạn nên người báo cháy báo sai địa chỉ, hoặc không xác định được vị trí đám cháy. Lúc này, cán bộ, chiến sĩ trực tổng đài phải trấn an để họ bình tĩnh, xác định đúng vị trí đám cháy, giúp lực lượng PCCC tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng hơn. “Niềm vui với những người trực tổng đài là sau khi thấy đồng đội hoàn thành nhiệm vụ trở về an toàn và vụ cháy được xử lý nhanh chóng, bảo đảm an toàn cho người bị nạn và hạn chế tối đa thiệt hại tài sản cho người dân”, hạ sĩ Danh chia sẻ.

Mỗi ngày, tổng đài 114 - Phòng Cảnh sát PCCC số 2 nhận hàng chục cuộc gọi, nhưng chỉ số ít là báo tin cháy thực sự. Hơn 2 năm làm công việc trực tổng đài 114, trung sĩ Đỗ Văn Nhân chia sẻ kinh nghiệm tiếp nhận cuộc gọi: Tin báo cháy thật bao giờ giọng nói của người gọi cũng vội vàng, gấp rút, kèm theo đó là không chỉ một mà nhiều cuộc gọi báo cháy đến từ nhiều số điện thoại khác nhau, máy này chưa cúp thì máy khác đã reo. Còn với cuộc gọi báo cháy giả, thường chỉ có 1 số gọi đến, khi gọi lại để hỏi thêm thông tin thì người báo thường tắt máy. Tuy nhiên, để chắc chắn đó là cuộc báo cháy thật hay giả, người trực vẫn phải liên lạc với công an địa phương để xác minh. Vì theo tâm lý chung, khi xảy ra cháy, ngoài tổng đài 114, bà con thường sẽ gọi báo cho công an địa phương, cán bộ thôn, ấp, khu phố...

Cảnh sát PCCC ngăn chặn đám cháy xảy ra tại cơ sở tái chế vỏ, ruột xe ở phường 12 (TP.Vũng Tàu).
Cảnh sát PCCC ngăn chặn đám cháy xảy ra tại cơ sở tái chế vỏ, ruột xe ở phường 12 (TP.Vũng Tàu).

Thực tế cho thấy, nhiều cuộc gọi đến tổng đài 114 báo cháy giả; Hoặc khi có cuộc gọi đến, người trực nhấc máy lên thì đầu dây bên kia lại tắt máy, thể hiện sự chọc phá. Gần đây nhất, khoảng 11 giờ đêm 17-6, thời điểm đang diễn ra trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Đức và đội tuyển Mexico tại World Cup 2018, điện thoại đường dây nóng 114 đổ chuông. “Tôi cứ nghĩ lại xảy ra vụ cháy, nổ ở đâu rồi, nhưng đầu dây bên kia là giọng lè nhè say rượu của một người đàn ông hỏi chúng tôi có coi bóng đá không, đội Đức đá thế nào?... Tôi từ tốn giải thích đây là số điện thoại tiếp nhận thông tin cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, chứ không phải là nơi đùa nghịch. Đồng thời, nói rõ nếu anh ta tiếp tục có hành động quấy rối như trên sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, anh ta mới cúp máy”, hạ sĩ Mai Hoàng Phúc, chiến sĩ trực tổng đài 114 - Phòng Cảnh sát PCCC số 2 chia sẻ.

Theo Đại úy Nguyễn Thanh Sơn, Đội trưởng đội chữa cháy chuyên nghiệp - Phòng Cảnh sát PCCC số 2, khi xảy ra sự cố cháy, nổ, thời gian ứng cứu tính bằng giây, phút vì càng chậm trễ, nguy cơ cháy lan sang khu vực khác càng cao hoặc ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, cứu nạn, có thể gây thiệt hại về người và tài sản lớn hơn. Do đó, công việc tiếp nhận và xử lý thông tin của những người trực tổng đài 114 đóng vai trò quan trọng, không kém gì so với lực lượng PCCC tại hiện trường. 

Các cuộc gọi đến số 114 để trêu đùa, báo cháy giả là việc làm sai trái, vi phạm pháp luật, không những gây phiền hà cho cán bộ, chiến sĩ trực tổng đài PCCC mà còn ảnh hưởng đến lợi ích, cũng như sự an nguy của cả cộng đồng. “Bởi, trong lúc đang tiếp nhận, xác minh cho cuộc báo cháy giả, thì biết đâu ở một nơi nào đó có những cuộc báo cháy thật đang cần đội ngũ PCCC chuyên nghiệp đến cứu hộ, cứu nạn. Hành vi báo cháy giả, gọi quấy rối tổng đài 114 sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật”, Đại úy Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

.
.
.