.

Nằm chung giường, sao lại... mất ngủ?

Cập nhật: 10:30, 27/04/2018 (GMT+7)

“Ăn được ngủ được là tiên

Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”

Không cần phải tranh luận lôi thôi. Phải thừa nhận câu ca dao trên chính xác lắm. Dù không phải bác sĩ, ai cũng biết nếu mất ngủ ắt dẫn đến tình trạng căng thẳng về tâm lý, làm việc không hiệu quả. 

Tiếng ngáy của chồng hoặc vợ thường khiến nửa kia mất ngủ.
Tiếng ngáy của chồng hoặc vợ thường khiến nửa kia mất ngủ.

Một người giàu sụ, nằm trên đống vàng nhưng mất ngủ, đêm nào cũng không thể chợp mắt nổi thì có thể lúc ấy niềm khao khát lớn nhất của họ không phải được ngồi đếm tiền mà chính là được ngáy khò khò. Ngáy khò khò có phải giấc ngủ sâu hay không? Tôi không rõ. Câu trả lời xin dành cho các bác sĩ. Chỉ biết rằng, nằm bên cạnh người luôn có tiếng ngáy rền vang ấy là một cực hình. 

Có lần, “Đúng là kêu trời không thấu. Bực mình quá đi mất. Phải làm sao bây giờ?”, cô vợ vùng dậy, bực bội muốn gào lên cho bõ ghét, nhưng rồi không thể làm gì khác. Đành chịu trận vậy. Thấy chồng đang ngủ say, cô không không nỡ đánh thức, dù rất bực mình.

Chuyện gì vậy ta? Này nhé, sau một ngày làm việc mệt nhọc, ai lại không có nhu cầu được ngủ đẫy giấc. Khổ nỗi, có lúc đang chìm trong mộng đẹp, bỗng giật nẩy người bởi tiếng ngáy của “nửa kia” rền vang. Ta phải làm sao giải quyết sự cố éo le này? Ngần ngừ một lúc, hầu hết “nửa này” lại vùi đầu vào gối, bịt tai chịu đựng. Thế là cả đêm chập chờn, khó có thể ngủ nghê gì nữa. 

Vợ tôi kể lại nỗi lòng của cô bạn thân: “Anh biết không? Bạn em bảo đêm khuya bốn bề yên ắng lắm, nghe tiếng ngáy sát bên tai rõ mồn một, ai cũng liên tưởng đến tiếng còi tàu xe lửa, tiếng cưa gỗ, không thể chợp mắt nổi. Khổ thiệt há anh?”. Tỏ ra cảm thông, tôi phì cười rồi buột miệng hỏi vu vơ: “Thế thì, bạn em đã xử lý ra sao?”. Hỏi thì hỏi vậy, chứ thật ra tôi không hề quan tâm đến câu trả lời. Có phải chuyện của mình đâu, tò mò làm chi. Biết thế, cô vợ tôi cũng lái qua chuyện khác. 

Vài hôm sau, lúc tôi vừa bước vào phòng ngủ, chưa kịp ngả lưng xuống chiếc giường nệm êm ái đã nghe câu nói nhẹ nhàng, cứ tưởng như đang đùa: “Anh có còn thương em không? Còn à?”. Nghe lùng bùng cả lỗ tai, câu hỏi này ắt báo  hiệu sự “trở chứng” gì đây. Tôi “đọc vị” ngay lập tức và tất nhiên dại gì mà không gật đầu cái rụp. “Tốt quá. Thế thì, từ rày trở về sau, anh chịu khó ra ngoài phòng khách ngủ giùm em”, vợ nói. 

Không riêng gì tôi, nhiều người đàn ông khác, trước lời đề nghị bất ngờ đó, dù bản lĩnh cỡ nào cũng choáng váng đến độ suýt ngất. “Có phải mình vừa phạm lỗi lầm tày trời gì chăng?”, họ tự nhủ mà mồ hôi mồ kê chảy ròng sống lưng. Lời đề nghị này khác gì hình phạt nghiêm trọng. Một lát sau hoàn hồn, dù vẫn đang tiu nghỉu như mèo mắc mưa, nhưng tôi vẫn nghiêm mặt hỏi một câu rất dũng cảm: “Em nói vậy là sao? Bộ hết chuyện đùa rồi à?”. Nào ngờ, câu trả lời là: “Tại dạo này lúc ngủ, anh ngáy quá, em chịu hết xiết rồi”. Tôi giật mình: “Ủa, vậy à?”.

Tôi biết có những đôi uyên ương muốn “hâm nóng tình yêu” bằng cách du lịch nơi này, nơi nọ. Đến khung cảnh mới, non sông nước biếc hữu tình, trong lòng thơ thới hân hoan, gạt bỏ mọi lo toan ắt “chuyện kia” ngon lành lắm đây. Khổ nỗi trong chuyến đi ấy, họ lại tỏ ra ngao ngán, chẳng còn hào hứng gì mấy. Tại sao vậy? Đơn giản chỉ vì mỗi đêm nửa kia lại chịu đựng tiếng ngáy của người chồng/vợ nên mất ngủ trầm trọng. Mà một khi đã mất ngủ, thử hỏi, sáng thức dậy trong khung cảnh thiên nhiên trữ tình, thơ mộng thì con người ta có hứng thú không?

Qua những lúc “tám” cùng bè bạn, tôi mới biết không chỉ mỗi “sự cố” tiếng ngáy đâu. Bạn thời học chung tiểu học với tôi là Đ. góp chuyện: “Tiếng ngáy ấy gây ra sự bực bội là đúng rồi, nhưng có lúc mình lại giật mình tỉnh giấc bởi chuyện lãng xẹt không kém”. Đại khái, đêm hôm khuya khoắt, có gì khác lạ ngay trong phòng ngủ, người ta dễ dàng nhận ra ngay. Vợ Đ. những lúc trằn trọc vì mất ngủ, lại mở ti vi, xem đến lúc nào mỏi mắt mới ngủ lại được. Nếu âm thanh nho nhỏ, chẳng sao. Khổ nỗi, đang ngủ ngon, lắm lúc Đ. phải tỉnh giấc vì nghe lạo xạo, nhộn nhạo mọi thức âm thanh vọng đến. Đ. bực mình lắm, bảo vợ tắt ti vi thì không dám, còn nhắm mắt ngủ tiếp thì khó quá đi thôi. 

Tình huống này phải xử lý ra sao? Dạo gần đây, nhiều đêm giật mình, Đ. lại thấy nhà cửa đèn điện sáng choang. Cô vợ đã biến đi đâu mất. Khẽ khàng xuống giường, bước ra phòng khách chẳng thấy, đi xuống bếp thì thấy vợ lục đục với nồi, niêu, xoong, chảo… Do “biết thân biết phận”, sợ làm phiền chồng nên vợ Đ. đã chọn cách này. Vẫn biết là thế, nhưng anh bạn cảm thấy xốn xang. Thương vợ quá. Chẳng nhẽ mình lại bước vào phòng ngủ tiếp? Cứ nhắm mắt làm ngơ, bỏ mặc? Ai lại ích kỷ đến thế? 

Vợ chồng ngủ chung giường là lẽ thường tình, nhưng với những sự cố như trên, chẳng lẽ lại chọn phương án nằm riêng, mạnh ai ấy ngủ? Dù cả hai đồng thuận nhưng nếu nhà cửa chật chội ắt khó. Mà thật ra cách ấy cũng chẳng ra làm sao. Ai cũng thừa nhận, ăn đời ở kiếp với nhau, nếu đêm nào cũng chịu đựng từ phía “nửa kia” thì khổ tâm lắm. Mà “nửa kia” cũng khổ tâm nốt. 

Phải chăng cách tìm đến bác sĩ vẫn là tốt nhất? Vâng, đúng thế. Tôi đã có lần nghe một vị bác sĩ nói rằng: “Không cần có thuốc tiên, chỉ cần một giấc ngủ ngon. Ngủ một giấc thật ngon, tỉnh dậy sảng khoái không khác gì thần tiên”.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.